Kinh tế

Tổng công ty Đường sắt xin "ứng" hơn 471 tỷ đồng để trả nợ

Theo VNR, việc Tổng công ty này đang nợ hơn 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013 đến nay là vô cùng khó khăn với các nhà thầu. Trong đó, nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng mỗi năm phát sinh trên 45 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).

Theo VNR, việc Tổng công ty này đang nợ hơn 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013 đến nay là vô cùng khó khăn với các nhà thầu. Trong đó, nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng mỗi năm phát sinh trên 45 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).
 
(Ảnh minh hoạ).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về việc thực hiện các công trình khẩn cấp tại Tổng công ty này.

Theo đó, VNR cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là chủ đầu tư các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, VNR đã yêu cầu nhà thầu triển khai hoàn thành công trình đúng theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Đến nay, công trình xây dựng mới 3 cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu và công trình xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2, kế hoạch 1856 đều cơ bản hoàn thành vào quý II/2013 và cuối năm 2013.

Theo VNR, việc VNR đang nợ hơn 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013 đến nay là vô cùng khó khăn với các nhà thầu. Trong đó, nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng mỗi năm phát sinh trên 45 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).

“Trong khi công việc những năm qua lại vô cùng khó khăn dẫn đến các nhà thầu có nguy cơ đóng tài khoản, nếu nợ tiếp tục kéo dài sẽ phải dừng hoạt động”, báo cáo của VNR cho biết.

Mặc khác, theo VNR, các nhà thầu trước đây trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nay đã được cổ phần hoá, một số công ty đã thoái hết vốn, số còn lại đang tiếp tục thoái vốn, vì vậy việc thanh toán cổ tức, đối chiếu thanh toán nợ với VNR không thể thực hiện được.

“Tổng công ty không thu hồi được hàng chục tỷ đồng tiền cổ tức, tiền nợ khác của Tổng công ty vì các đơn vị quá khó khăn, không có kinh phí để trả nợ Tổng công ty”, VNR cho biết.

Từ những điều trên, VNR kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước hơn 471 tỷ đồng hoặc bố trí đủ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để Bộ Giao thông Vận tải giao VNR thanh toán hết cho nhà thầu.

Liên quan tới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu tháng 9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ vừa công bố báo cáo thanh tra, trong đó chỉ ra hàng loạt các sai phạm tại đơn vị này.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên, từ năm 2010 đến hết năm 2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (12 đoàn có trong kết hoạch, giá trị thanh toán 1,28 tỷ đồng, 11 đoàn không có trong kế hoạch giá trị thanh toán 663 triệu đồng).

Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả 5 đoàn đi đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tours) với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỷ đồng - sai quy định tại Thông tư 91/2005 của Bộ Tài chính và sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, dù hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2013 còn nhiều tồn tại vi phạm nhưng tổng công ty này vẫn trích tối đa quỹ thưởng ban điều hành với số tiền trên 1,85 tỷ đồng theo loại hình doanh nghiệp xếp loại A là chưa phù hợp.

Thanh tra Chính phủ đã khẳng định: “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước” trước việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng hai khu đất vàng diện tích gần 1.000 m2, có giá trị rất lớn ở Thủ đô Hà Nội (số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu) thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.

Ngoài ra, theo kết luận Thanh tra Chính phủ, việc quản lý giao dịch tài sản không đúng, chỉ hạch toán công nợ phải thu với Công ty cổ phần Công trình đường sắt mà không hạch toán hoạt động kinh doanh Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng vốn vay của Chính phủ Áo quy mô 387,4 tỷ đồng, tiềm ẩn việc thất thoát thuế và có dấu hiệu của tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Bộ luật Hình sự.

Theo Phương Dung (Dân Trí)