Kinh tế

‘Tôi trở thành nạn nhân của iFan như thế nào?’

Anh Nguyễn Minh Tân (Trần Khát Chân, Hà Nội) bỏ ra khoảng 600 triệu vào dự án iFan. “Tôi coi đây là bài học lớn của cuộc đời mình, không hy vọng có thể lấy lại tiền”, anh nói.

Sinh năm 1988, anh Nguyễn Minh Tân (tên nhân vật đã được thay đổi) trông chững chạc hơn so với độ tuổi của mình. Anh vừa quay trở lại công việc của một nhân viên kinh doanh tại một showroom ôtô lớn ở Lê Văn Lương (Hà Nội) sau Tết âm lịch.

Trước đó, anh từng nghỉ việc để "tập trung" đầu tư vào iFan, với hy vọng đổi đời. 

Đổ cả trăm triệu vào iFan

“Tôi không rủ rê nhiều người chơi cùng, chỉ có một số anh em thân thiết. Tuy nhiên, anh em bỏ ít, mỗi người chỉ vài chục triệu. Tôi dính nặng nhất, khoảng 600 triệu đồng. Trước đó, tôi cũng từng mất trắng khoảng 1,2 tỷ đồng khi Bitconnect bị sập”, anh Tân nói, vẻ mặt đầy đăm chiêu.

‘Tôi trở thành nạn nhân của iFan như thế nào?’
Màn hình anh Tân chuyển khoản gần 300 triệu đồng cho "chân rết" của Lê Ngọc Tuấn để đầu tư vào iFan. Ảnh: Thành Duy.

Khoảng 10 phút sau khi cuộc trò chuyện bắt đầu, a Tân nhận một cuộc gọi tư vấn mua xe. Nghe giọng nói trôi chảy và giàu sức thuyết phục, ai cũng hiểu được anh là một người lão luyện trong nghề.

“Đừng nghĩ những người đổ tiền vào iFan đều là ‘gà’. Rất nhiều người tham gia dự án mà tôi biết đều có thu nhập và địa vị khá trong xã hội. ICO không giống bán hàng đa cấp. Những người bán hàng đa cấp thường chẳng có gì trong tay, chém gió về các khoản tiền trên trời còn ở đây là người thật việc thật. Họ kiếm được tiền tỷ, mua nhà, tậu xe là những thứ chúng tôi có thể thấy được”, anh Tân nói.

Theo anh này, anh biết đến dự án iFan và nhân vật Lê Ngọc Tuấn (hiện được nhiều người gọi là Tuấn scam) thông qua mạng xã hội. “10 dự án Tuấn tham gia trước đây thì có đến 9 dự án thành công. Tiền lãi nhân 30,40 lần là chuyện bình thường. Có dự án lên đến 100 lần. Đó là cơ sở để chúng tôi tin tưởng”.

Anh Tân cho biết mình là một trong số những người tham gia vào sự kiện cực kỳ hoành tráng tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia của Tuấn và các cộng sự hồi tháng 12/2017.

Theo anh Tân, anh dành 3 tháng để nghiên cứu về thị trường tiền số, trước khi quyết định tham gia. Những dự án trước, Tuấn chỉ kéo về để ăn hoa hồng nhưng với iFan thì Tuấn làm trực tiếp. Thông thường với các dự án nước ngoài, những người như anh Tân chỉ đổ vài nghìn USD, nhiều nhất là 5.000 USD nhưng khi nghe Tuấn hô hào với những thông điệp như “dự án sân nhà”, “không để anh em Việt Nam mất tiền”, họ mới đổ một lượng tiền lớn.

‘Tôi trở thành nạn nhân của iFan như thế nào?’ - 1
iFan liên tục dụ dỗ người dùng, cam kết về mức lợi nhuận gấp 10 đến 50 lần tiền vốn. Ảnh chụp màn hình.

Tổng số tiền anh Tân đổ vào iFan là khoảng 600 triệu, bao gồm 300 triệu chuyển tiền, khoảng 100 triệu đưa tiền mặt cho chân rết của Tuấn và lượng Bitcoin tương đương 200 triệu đồng.

Không tìm hiểu thông tin

“Tất nhiên, mình phải trách mình trước vì không tìm hiểu kỹ thông tin dự án. Chẳng hạn, chỉ cần tìm kiếm trên mạng về cái tên Vũ Hữu Lợi - người tự xưng là giám đốc mảng gì đó của công ty Tuấn - là sẽ phát hiện ra người này gắn liền với khá nhiều trò lừa đảo trước đó”, anh Tân nói.

Khi được hỏi anh biết gì về ứng dụng mà iFan phát hành, a Tân lắc đầu và khẳng định, mình và nhiều người khác đã quá sơ suất khi không tìm hiểu xem dự án lấy tiền đâu để trả cho nhà đầu tư.

“Cũng chỉ tại tôi tham và quá tin tưởng vào Tuấn. Không ai nghĩ đứng đầu một group lớn như thế, uy tín cao lại bán cả danh dự, lương tâm để lừa đảo người chơi. Trước đó, Tuấn đã rất giàu rồi”, anh nói.

‘Tôi trở thành nạn nhân của iFan như thế nào?’ - 2
Những hóa đơn chuyển tiền với hạn mức lên đến cả tỷ đồng được chia sẻ trên các nhóm nhà đầu tư iFan để tăng độ tin cậy. 

Anh cũng khẳng định Tuấn Scam cực giỏi về marketing và cách làm cho người khác tin mình. Chẳng hạn, đội nghũ chân rết của người này thường xuyên truy cập các hội nhóm chơi tiền số, đăng tải thông tin về những người đã đầu tư hàng đống tiền vào iFan hoặc tạo ra các nhóm chat “1 tỷ”, “5 tỷ” trên Telegram, dụ dỗ người chơi đầu tư các khoản tiền lớn hơn hoặc gom tiền cùng với nhau để được hưởng lãi suất cao.

Chẳng hạn, nhóm đầu tư 10.000 USD chỉ được hưởng lãi suất 45%, trong khi nhóm 100.000 USD được hưởng lãi suất lên đến 60%.

Có một điểm rất không minh bạch là đa phần các giao dịch của iFan chỉ là đổ tiền vào, gần như không có rút ra. Từng tham gia Bitconnect, anh Tân cho hay sàn giao dịch này có đến 16 triệu thành viên, có chợ kẻ bán người mua, tính thanh khoản liên tục, người thật việc thật.

‘Tôi trở thành nạn nhân của iFan như thế nào?’ - 3
Buổi họp mặt nhà đầu tư tại khách sạn sang trọng của iFan. Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, iFan chỉ có gửi tiền vào mua, đến lúc bán thì không bán được. Cả trăm lệnh bán ra chỉ có vài lệnh được khớp mà anh Tân nghi ngờ là do nhóm của Tuấn Scam thực hiện để làm tăng lòng tin của nhà đầu tư.

Anh Tân cho hay anh thiệt hại tổng cộng khoảng 1,7 tỷ đồng, tính cả dự án iFan (khoảng 600 triệu) và khoản đầu tư vào Bitconnect bị sập hồi tháng 1 năm nay. Trong đó, anh có khoảng 700 triệu trong túi, số còn lại đi vay mượn.

“Sau khi mất tiền, tôi mới biết có nhiều cách kiếm tiền anh toàn hơn nhiều khi tham gia thị trường tiền số. Có một nguyên tắc của các nhà đầu tư là rút ngay tiền gốc, hoặc một phần lãi và chỉ đầu tư tiếp số lãi tiếp theo. Tuy nhiên, không nhiều người tuân thủ nguyên tắc này vì tham”, anh Tân cho hay.

“Tôi coi đây là bài học lớn của đời mình. Giờ đây, tôi không hy vọng lấy lại được số tiền đã mất mà tập trung cho công việc hiện tại để đầu óc mình được thoải mái hơn”, anh chia sẻ thêm.

Theo Thành Duy (Tri Thức Trực Tuyến)