Kinh tế

Toát mồ hôi với tiền thuê đất

Cầm trên tay tờ thông báo đủ điều kiện được giảm 50% tiền thuê đất, giám đốc điều hành một công ty sản xuất bình gas tại quận 6, TP HCM thở than: “Ánh sáng cuối đường hầm là đây!”.

Cầm trên tay tờ thông báo đủ điều kiện được giảm 50% tiền thuê đất, giám đốc điều hành một công ty sản xuất bình gas tại quận 6, TP HCM thở than: “Ánh sáng cuối đường hầm là đây!”.

Khó khăn cho công ty sản xuất bình gas này bắt đầu từ năm 2013. Khi đó, Sở Tài chính TP HCM xác định lại số tiền thuê đất gần 10.000 m2 mà công ty thuê để làm mặt bằng nhà xưởng trên đường An Dương Vương, quận 6 lên đến 1,6 tỉ đồng mỗi năm. Con số nói trên tăng gấp 4,6 lần so với mức đóng chỉ 360 triệu đồng trong những năm trước đây.

Với khoản tiền thuê đất tăng thêm này, ban lãnh đạo công ty phải ngồi lại vắt óc tìm cách cân đối. Họ đắn đo không biết lấy từ nguồn nào để bù vào. Nếu tính hết vào giá thành thì sẽ làm đội giá bán sản phẩm. Thời buổi cạnh tranh khốc liệt này mà tăng giá bán thì khó khăn bủa vây thêm.
 

Tiền thuê đất tăng 3-4 lần so với trước khiến kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn. Ảnh: Kinh Luân.

 
Hoạt động sản xuất bình gas ở đây đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ công ty này lại chịu cú sốc về giá đất tăng cao đột ngột đến vậy. Không còn cách nào khác, hơn một năm trời qua, công ty buộc phải làm đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng thành phố để được giảm tiền thuê đất.
 
“Đơn cũng đã gửi lên Chi cục Thuế quận 6, quá trình giải trình tới lui đến nay mất gần cả năm trời. Mãi đến ngày 13/3 mới đây, tia hy vọng mới lóe lên sau khi nhận được thông báo của Chi cục Thuế quận 6 nói rằng công ty đủ điều kiện để được giảm 50% tiền thuê đất theo Thông tư 16/2013/TT - BTC của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hiện Chi cục Thuế quận 6 đang trình Cục Thuế thành phố xem xét và chúng tôi đành phải tiếp tục chờ đợi thôi”, vị giám đốc điều hành công ty sản xuất bình gas này chia sẻ.

Nhớ lại những ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, vị giám đốc điều hành công ty sản xuất bình gas trên được bạn bè chúc một năm làm ăn “mã đáo thành công”. Nhưng theo vị này, năm 2014 vừa qua còn quá nhiều khó khăn, chi phí đầu vào biến động, thị trường tiêu thụ giảm sút, cạnh tranh ngày càng khốc liệt… nên chưa thể nói là thành công. Sang năm 2015 này, tiễn ngựa đón dê, bạn bè lại chúc ông một năm sức khỏe bền bỉ, vạn sự như ý!

An ủi nhau vậy thôi chứ trong thâm tâm, vị giám đốc điều hành công ty sản xuất bình gas này hiểu rằng: năm nay tình hình sản xuất kinh doanh khó có thể khởi sắc trong một sớm một chiều, với nhiều loại chi phí tăng lên như giá xăng, điện, lương cơ bản cho công nhân.

Khó khăn trăm bề thì làm ăn bây giờ không còn chạy theo công thức đơn giản rằng: Cứ tính đúng, tính đủ giá thành rồi cộng thêm vài phần trăm lợi nhuận là bán được, mà đôi khi bán huề vốn, buộc bán lỗ đôi chút vẫn phải chấp nhận để duy trì hoạt động doanh nghiệp, lấy tiền trả lương hàng trăm công nhân, khấu hao máy móc, nuôi quân chờ đợi!

Trong khi chờ đợi “tin vui” duy nhất có thể có được là được giảm tiền thuê đất, sau khi ăn Tết xong ban giám đốc công ty ông phải ngồi lại tính toán các giải pháp tự cứu mình bằng cách tăng cường rà soát, tiết giảm mọi chi phí đầu vào, cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết để có thể tồn tại bởi nếu không, chắc chắn rồi sẽ đi “chung đường” với các doanh nghiệp phá sản.

Nhà nước cứ tăng, doanh nghiệp cứ nộp đơn xin!
 
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với các doanh nghiệp vào ngày 3/3 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), nói thẳng rằng với cách tính tiền thuê đất quá cao của thành phố trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, vỡ kế hoạch đầu tư, bỏ ngang, thậm chí vi phạm hợp đồng đầu tư đã ký kết.

Trong thời điểm doanh nghiệp đang phải “chiến đấu” rất cực khổ ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài, ông Hàn mong mỏi chính quyền thành phố có những hỗ trợ thiết thực, cơ chế chính sách thông thoáng hơn để có thể giúp doanh nghiệp đủ sức chống chọi trong “cuộc chiến” khắt khe thời kỳ hội nhập.

Theo tìm hiểu của TBKTSG, trong hai năm 2013 và 2014 tiền thuê đất mà Maseco phải trả tăng gấp 3-4 lần so với các năm trước. Maseco đã ký hợp đồng thuê của thành phố 10 mặt bằng để làm nhà xưởng sản xuất, phòng trưng bày với khoản tiền thuê đất tăng thêm gần 2 tỷ đồng một năm.

Trong năm 2014, Maseco cũng đã được giảm 50% tiền thuê đất sau khi gửi hồ sơ xét duyệt thông qua các sở Tài nguyên và Môi trường (đơn vị quản lý hợp đồng cho thuê đất), Tài chính (đơn vị quản lý về giá cả, phương pháp tính thuế). Hai sở này thẩm định xong trình UBND thành phố ra quyết định giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp, thời gian hoàn tất thủ tục mất gần một năm.

Chia sẻ với TBKTSG, đại diện một doanh nghiệp dệt may quy mô khá lớn tại quận Tân Phú cho biết trong năm 2014, công ty một phen “lên ruột” khi nhận được thông báo đóng tiền thuê đất lên đến hơn 100 tỷ đồng cho tổng diện tích đất mà công ty thuê khoảng 15 ha để sản xuất.

Vị này cho rằng với số vốn điều lệ có 95 tỉ đồng mà tiền thuê đất mỗi năm đóng trên 100 tỷ đồng thì chỉ có nước đóng cửa. Tuy nhiên, sau khi công ty đã phải vất vả làm hồ sơ nộp lên các sở, ngành, xem xét tới lui, cuối cùng cũng được nhận được quyết định giảm tiền thuê đất xuống còn 30 tỷ đồng, vẫn còn cao gấp hai lần so với mức đóng những năm trước đây.

Cũng tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với các doanh nghiệp hồi đầu năm nay, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, thừa nhận rằng tiền thuê đất - theo quy định mới - đối với nhiều doanh nghiệp tăng gấp 4-5 lần so với năm 2010 và mức tăng này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp.

Vị lãnh đạo Cục Thuế thành phố cũng “xoa dịu” các doanh nghiệp bằng thông tin: doanh nghiệp nào có số tiền thuê đất phải đóng cao gấp 4-5 lần so với năm 2010 thì làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng để được xem xét giảm 50% tiền thuê đất.

Chi tiết hơn, theo bà Võ Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý các khoản thu thuế về đất, Cục Thuế TP HCM, doanh nghiệp muốn được giảm tiền thuê đất thực hiện theo quy trình: lấy mẫu đơn đề nghị giảm tiền thuê đất theo năm phải nộp tại chi cục thuế quận huyện; điền mẫu đơn kèm theo hợp đồng thuê đất, biên bản xác định đơn giá thuê đất tăng thêm; văn bản doanh nghiệp cam kết sử dụng đất đúng mục đích theo hợp đồng thuê đất.

Tất cả hồ sơ này nộp lên chi cục thuế quận, quận sẽ chuyển lên Cục Thuế thành phố, Cục Thuế thành phố sẽ trình UBND thành phố công văn đề nghị để UBND thành phố xem xét ban hành quyết định giảm tiền thuê đất đối với từng trường hợp cụ thể (riêng thời gian để UBND thành phố xem xét quyết định giảm tiền thuê đất tối đa là ba tháng). Cơ sở pháp lý để xét giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp là Nghị định 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 16/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, bà Thủy cho hay.

Chia sẻ với TBKTSG, đại diện một doanh nghiệp đề nghị không nêu tên nêu quan điểm: “Tiền thuê đất phải đóng tăng thêm là một chuyện, nhưng vấn đề ở chỗ không lẽ năm nào doanh nghiệp cũng cứ chạy vạy làm hồ sơ nộp, rồi chờ đợi để được giảm tiền thuê đất hàng năm hay sao, rất mất thời gian, rất bị động cho doanh nghiệp hoạch định kế hoạch làm ăn lâu dài!”.
 
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM: “Theo quan điểm cá nhân tôi, rõ ràng giá đất trên thị trường tại TP HCM quá cao.

Do thị trường bất động sản nổi sóng đẩy giá đất cao, nhưng là giá cao ảo. Nếu lấy giá đất trên thị trường cao ảo này để làm cơ sở tính toán, áp giá thuê đất cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp chịu không nổi.

Theo tôi, điều quan trọng là nên chọn giá cho thuê đất ở mức phù hợp. Mức giá này cần được tính toán vào giá thành sản phẩm của doanh nghiệp ở mức chấp nhận được, để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, thành phố nên tham khảo thêm tiền thuê đất của các tỉnh lân cận, các nước khu vực Đông Nam Á xem sao. Nếu chúng ta lấy tiền cho thuê đất cao hơn các nước lân cận thì nhà đầu tư sẽ chạy sang các nước khác đầu tư hết. Khi đó, tăng giá thuê đất quá cao sẽ là lợi bất cập hại”.
 
Theo Văn Nam (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)