Kinh tế

Tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2018: Tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2018. Bên cạnh các tín hiệu tích cực trong tăng trưởng của nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những khuyến nghị cảnh báo về đề phòng lạm phát do vẫn lệ thuộc nhiều vào các DN FDI.

Đề phòng lạm phát

Theo VEPR, hiện ngành công nghiệp vẫn trên đà phục hồi tốt với công nghiệp chế biến với mức tăng 13,9% so với cùng kỳ. Khai khoáng cũng có nhiều dấu hiệu tích cực khi tăng trưởng sau gần 2 năm suy giảm, thị trường bán lẻ và tiêu dùng cũng sôi động. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu cũng có dấu hiệu tăng trưởng tốt, thặng dư thương mại là 1,3 tỉ USD.

Thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì sự ổn định, thị trường tài sản giá vàng quốc tế tăng mạnh, có thời điểm tăng cao hơn giá vàng trong nước. Trong khi đó lượng vốn FDI giảm mạnh so với quý I/2017 gây ra những lo ngại về duy trì dài hạn việc tăng trưởng khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực nay.

PGS-TS Nguyễn Đức Thành - chuyên gia kinh tế - cho rằng, nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và đi lên với nhiều việc làm mới được tạo ra, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, nền kinh tế Châu Âu cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng đó, kinh tế Việt Nam trong quý I/2018 tăng trưởng đạt mức 7,38%.

Tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2018: Tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro
Ảnh minh họa

Dường như đà tăng trưởng tích cực từ hai quý nửa sau năm 2017 góp phần cho mức tăng ấn tượng này. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo cân đối thu-chi, cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế. Một giải pháp đi liền là duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá năm 2017 Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt, GDP quý I/2018 tăng trưởng cao. Trong đó một số lĩnh vực như nông nghiệp có nhiều khởi sắc với giá gạo và các mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu tăng. Do vậy, cần tích cực thúc đẩy cải cách chính sách kinh tế, quan tâm đến các chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho DN.

Xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào FDI

Tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng của nửa sau năm 2017, GDP quý I/2018 tăng trưởng mạnh 7,38% với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đột biến 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo đã tiếp tục tăng trưởng cao 13,9%. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI.

Riêng Samsung Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo. Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỉ USD (tăng tới 58,8% so với cùng kỳ). Điều này giải thích một phần nguyên nhân GDP Việt Nam quý I tăng trưởng mạnh. Đồng thời, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại với mức 0,40% sau hai năm liên tục suy giảm.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy nhìn nhận các yếu điểm để thay đổi và phát triển. CPTPP đã được ký kết và đầu 2019 sẽ có hiệu lực có đem lại cơ hội lớn cho nền kinh tế VN hay không. Để thu hút đầu tư tư nhân và FDI, Chính phủ đã hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm gần đây nên tỉ trọng nguồn thu từ loại thuế này cũng giảm dần.

Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Cùng đó, lạm phát quý I tăng nhẹ so với quý trước, chủ yếu đến từ việc điều chỉnh giá các dịch vụ công như y tế, giáo dục và một phần có thể bắt nguồn từ sự nới lỏng tiền tệ.

Lạm phát lõi có xu hướng tăng nhẹ từ mức tương đối thấp, phần nào thể hiện khuynh hướng nới lỏng tiền tệ của NHNN. Việc ký kết Hiệp định CPTPP tiếp tục củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, tuy nhiên, bên cạnh việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, điều này cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu NSNN khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập.

Theo Đặng Tiến (Lao Động)