Kinh tế

Tiềm ẩn mối nguy hiểm từ những bình gas bị "cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn mác"

Các bình gas của công ty khác được "cắt tai, mài vỏ" nhằm mục đích nấu thép phế liệu không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp đó mà còn có nguy cơ gây ra các vụ nổ tại các hộ gia đình.

Các bình gas của công ty khác được "cắt tai, mài vỏ" nhằm mục đích nấu thép phế liệu không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp đó mà còn có nguy cơ gây ra các vụ nổ tại các hộ gia đình.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 17 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện một chiếc xe tải mang BKS: 89C - 122.. do lái xe Trương Ngọc Tân điều khiển chở 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà có dấu hiệu vi phạm.

Thời điểm kiểm tra, toàn bộ số vỏ bình gas này không còn nguyên vẹn, có dấu hiệu bị hủy hoại, các bình gas đều đã bị tháo bỏ van bình. 

Tiềm ẩn mối nguy hiểm từ những bình gas bị cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn mác - Ảnh 1.

639 bình Gas tại kho của chi cục quản lý thị trường Hà Nội.

Tiềm ẩn mối nguy hiểm từ những bình gas bị cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn mác - Ảnh 2.

Các bình gas tại đây đều bị tháo bỏ van của bình.

Trong quá trình kiểm tra, lái xe chỉ xuất trình được phiếu xuất nhập hàng với số tiền 66.310.000 đồng, cùng phiếu cân xe với nội dung cân hàng là ''cân sắt vụn'', lái xe Tân không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên. 

Cùng thời điểm trên, ngày 14/9/2017, Đội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với Đội 8 PC46 (Công an Hà Nội) kiểm tra đối với Công ty TNHH sản xuất và cung ứng vật tư Hà Nội - Vạn Lộc Gas (Lô CN4, Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) và người đại diện pháp luật là ông Phan Văn Hùng.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty này đang lưu giữ 9.000 vỏ bình gas nhãn hiệu Hồng Hà của Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân, 6.000 vỏ bình gas nhãn hiệu Sellan, Thăng Long Đất Việt, Venus của Công ty TNHH MTV gas Venus không có hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc lô hàng. Đội Quản lý thị trường số 7 cũng đã tạm giữ niêm phong số vỏ bình gas nói trên để kiểm tra làm rõ.

Tiềm ẩn mối nguy hiểm từ những bình gas bị cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn mác - Ảnh 3.

Các bình gas bị thu giữ với số lượng khá lớn

Tiềm ẩn mối nguy hiểm từ những bình gas bị cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn mác - Ảnh 4.

Tên của một hãng gas được in nổi bên trong, phải cắt ra mới phát hiện được do đã bị mài vỏ.

Về hai vụ việc trên, ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Việc tự ý tháo van, vỏ bình của của đơn vị khác là hành vi hủy hoại tài sản, vi phạm pháp luật. Mặt khác, hành vi bán lại vỏ bình gas của công ty khác nhằm mục đích nấu thép phế liệu có dấu hiệu tẩu tán tài sản của đơn vị khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp". 

Ông Lộc cũng cảnh báo thêm việc làm này còn gây nguy hiểm trực tiếp đến người tiêu dùng. Bởi các bình gas của công ty khác được "cắt tai, mài vỏ" nhằm mục đích chiếm dụng để bơm khí gas khác nhãn hiệu vào bán hoặc nấu thép phế liệu không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp đó mà còn có nguy cơ gây ra các vụ nổ tại các hộ gia đình.

Tiềm ẩn mối nguy hiểm từ những bình gas bị cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn mác - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội

Tiềm ẩn mối nguy hiểm từ những bình gas bị cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn mác - Ảnh 6.

Bình gas bị cắt tai, mài vỏ (màu hồng) không được sắc nét và rõ rành thông tin so với bình nguyên bản (màu xanh).

Theo Phương Thảo (Thời Đại)