Kinh tế

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng mất 6.500 tỉ khi VN Index lao dốc

Thị trường "rực lửa" khi VN Index sụt giảm đến 44 điểm. Ba tỉ phú đô la trên sàn đánh mất hơn 8.000 tỉ đồng trong đó ông Phạm Nhật Vượng "bốc hơi" 6.500 tỉ.

Chỉ số VN Index lao dốc từ đầu đến cuối phiên giao dịch hôm nay. Kết thúc phiên, chỉ số này chỉ còn 1.094 điểm, giảm đến 44 điểm so với ngày hôm qua (18-4), sàn HoSE bốc hơi 118.000 tỉ đồng. 

Bảng điện tử đỏ rực từ đầu ngày đến cuối phiên giao dịch, với 215 mã cổ phiếu sụt giảm, trong khi chỉ có 71 mã cổ phiếu tăng giá. Nhóm cổ phiếu VN30 đồng loạt "đỏ lửa", duy nhất một cổ phiếu xanh.

Cổ phiếu nhóm ngân hàng và bất động sản-xây dựng suy giảm mạnh nhất, lần lượt là 5,15% và 5,66%. Các cổ phiếu "đại gia" trong hai ngành này đều rớt dữ dội.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng mất 6.500 tỉ khi VN Index lao dốc
Nhà đầu tư bất ngờ vì giá của cổ phiếu VJC của Vietjet giảm đến 12.800 đồng - ẢNH : TRẤN KIÊN

Mã VIC thuộc Tập đoàn Vingroup giảm 9.000 đồng, còn 120.900 đồng/cổ phiếu. Mã CTD của  Công ty CP Xây dựng Coteccons giảm 7.800 đồng xuống còn 138.200 đồng/cổ phiếu.

Mã VCB của Ngân hàng Vietcombank giảm 3.800 đồng, còn 61.000 đồng/cổ phiếu. Mã VPB của Ngân hàng VPBank giảm 3.000 đồng, còn 60.800 đồng/cổ phiếu. 

Trên sàn HNX, mã ACB của Ngân hàng Á Châu cũng giảm 1.200 đồng, còn 47.700 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 hầu hết đều sụt giảm. Thị trường chứng kiến sự sụt giảm không ngờ của mã cổ phiếu Công ty CP Hàng không Vietjet, cổ phiếu này mất đến 12.800 đồng, chỉ còn 197.000 đồng/cổ phiếu. 

Mã HPG của  Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát sụt giảm 2.000 đồng, còn 57.000 đồng/cổ phiếu.

Đợt lao dốc của thị trường chứng khoán ngày hôm nay làm cho ba tỉ phú USD của Việt Nam mất gần 8.000 tỷ đồng tính theo vốn hóa thị trường, trong đó ông Phạm Nhật Vượng của Vingroup mất đến 6.500 tỉ tính trên số lượng cổ phiếu nắm giữ.

Hiện tại, các chuyên gia tài chính khẳng định lực bán ròng của khối ngoại đối với các mã cổ phiếu trụ cột trong ngày hôm nay đã kéo thị trường đi xuống thê thảm, và chưa tìm ra nguyên nhân vì sao khối ngoại lại bán ồ ạt như vậy.

Chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, khẳng định các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay rất tốt, đại hội cổ động của nhiều ngân hàng báo lãi, thị trường thế giới không có bất kỳ thông tin tiêu cực nào.

Ông Tín lí giải việc VN Index suy giảm như hiện nay có thể là hiện tượng ngắn hạn. Khi chỉ số này vượt mốc lịch sử 1.170 điểm thì nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo sợ thị trường sẽ bị khủng hoảng như thời điểm năm 2007.

"Rất nhiều nhà đầu tư chần chừ, cho đợi giá giảm để mua bắt đáy, dẫn đến thanh khoản thị trường yếu", vị chuyên gia lý giải thêm.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, lại đánh giá thị trường lạc quan hơn và cho rằng đây là thời điểm để nhà đầu tư bung tiền mua cổ phiếu lớn.

"Nhìn chung các cổ phiếu lớn đã giảm gần 10%, trở về vùng hỗ trợ mạnh. Như mã VIC một thời gian qua tăng rất nóng, nếu tính theo chỉ số p/e thì lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu là khá cao", ông Tuấn nói.

Ông cũng lưu ý các nhà đầu tư nên theo dõi diễn biến của khối ngoại, vì động thái của khối này có áp lực rất lớn lên thị trường trong nước.

Theo Trấn Kiên (Tuổi Trẻ)