Kinh tế

Thương lái ép giá lợn do dịch tả châu Phi

Những con lợn càng to càng bị ép giá, người chăn nuôi vẫn phải bán để không gánh lỗ.

Anh Bình, chủ một trang trại lợn tại Thạch Thất, Hà Nội cho hay nhà anh còn khoảng 30 con lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng. Trước đây, gần ngày xuất, thương lái, chủ lò mổ thường đến tận nhà để săn đón trước. Tuy nhiên, đợt này, anh phải "năn nỉ" thì họ mới đến thu mua hoặc giết mổ, đồng thời phải chấp nhận bán rẻ hơn so với các trang trại xung quanh.

Theo khảo sát của VnExpress, hiện giá lợn hơi tại Hà Nội được các thương lái mua lại của người chăn nuôi giảm xuống mức 35.000 kg mỗi kg đối với thịt lợn hơi loại thường, còn thịt lợn hơi loại siêu nạc cũng chỉ 38.000 – 40.000 đồng. Trong đó, trước khi dịch tả lan rộng, giá lợn hơi được bán khoảng 50.000 đồng.  Nếu tính thịt móc hàm (sau khi thịt xong mới cân) thì giá bán trước đây là 60.000 đồng mỗi kg, hiện cũng chỉ còn khoảng 48.000 đến 50.000 đồng. 

"Lợn càng lớn thì thương lái càng không muốn mua hoặc có mua thì ép xuống thấp hơn vài giá. Họ chê lợn to mà thịt ra cũng khó bán hết. Trong khi đó nuôi thêm thì chúng tôi tốn kém thêm, có khi lại càng lỗ hơn nên rẻ cũng phải bán", chị Thảo, chủ một trang trại tại ở Quốc Oai cho hay. 

Thương lái ép giá lợn do dịch tả châu Phi
Lượng tiêu thụ mặt hàng thịt lợn tại các chợ truyền thống giảm 20-40% so với trước khi có dịch. Ảnh: Giang Huy

Giá thịt lợn hơi giảm, song giá thịt lợn bán lẻ cho người tiêu dùng tại các chợ Đồng Xa, Cầu Giấy, Thành Công... vẫn dao động từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng mỗi kg tuỳ loại, hầu như không giảm so với trước đó. Tuy nhiên, các tiểu thương cho biết hiện lượng thịt bán ra mỗi ngày giảm từ 20 đến 40%.

Một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mỹ Đình cho biết trước đây mỗi ngày thịt một con để bán, nhưng hiện chị chỉ đến đầu mối rồi lấy lại một số hàng rồi vận chuyển về bán. Lượng thịt bán mỗi ngày cũng giảm một nửa so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Một số gian hàng bán nội tạng lợn cũng giảm lượng hàng nhập do tình trạng ế ẩm diễn ra khoảng chục ngày nay.

"Tuy loại bệnh này không lây sang người và các động vật khác, song lượng khách mua vẫn e ngại. Khi mua họ cũng xem xét rất kỹ miếng thịt. Do đó, việc bảo quản thịt cũng phải rất cẩn thận nên chúng tôi không dám nhập nhiều, mỗi ngày chỉ lấy bằng hai phần ba so với nửa tháng trước", chị Hoa, bán hàng tại chợ Mỹ Đình cho hay. 

Riêng tại siêu thị lớn ở Hà Nội, mặt hàng này cao hơn ở chợ dân sinh từ 10.000 đến 20.000 đồng mỗi kg. Cụ thể, nạc vai 130.000 đồng một kg, nạc thăn 120.000 đồng, sườn non 120.000 đồng.... Tuy nhiên, sức tiêu thụ thịt lợn ở chợ và các siêu thị có diễn biến trái ngược nhau. Trong khi các chợ dân sinh, lượng tiêu thụ giảm thì tại các siêu thị, sức mua của mặt hàng này vẫn đều bởi người mua tin tưởng hơn vào công tác kiểm dịch cũng như bảo quản. 

"Việc bán lẻ không bị ảnh hưởng, song chúng tôi chỉ bị giảm những các khách hàng thường xuyên, đặc biệt là các đơn hàng cung cấp cho trường học", quản lý một siêu thị lớn cho hay. Trước đó, khoảng một tuần gần đây, khi tình hình dịch có diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều ổ dịch tại Hà Nội, một số trường học tại Hà Nội cũng có thông báo tới các phụ huynh về việc dừng các món trong thực đơn có liên quan đến thịt lợn. 

Tại miền Trung, miền Nam xu hướng tương tự cũng diễn ra. Giá heo hơi giảm mạnh, trong khi các siêu thị và chợ truyền thống giá bán lẻ vẫn giữ nguyên.

Theo Minh Châu (VnExpress.net)