Kinh tế

Thừa 7.000 xe công: Có phải do lãnh đạo “phóng khoáng”

Câu chuyện dư thừa 7.000 xe công của các bộ ngành gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng vẫn tiếp tục đề xuất mua sắm mới đang gây ra những bức xúc của dự luận trong những ngày qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải quy trách nhiệm rõ ràng vì đó là thất thoát tiền thuế của dân.

Câu chuyện dư thừa 7.000 xe công của các bộ ngành gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng vẫn tiếp tục đề xuất mua sắm mới đang gây ra những bức xúc của dự luận trong những ngày qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải quy trách nhiệm rõ ràng vì đó là thất thoát tiền thuế của dân.

Bình luận về câu chuyện dư thừa 7.000 xe công, TS. Lê Đăng Doanh bức xúc, “Có lẽ không ở đâu lại có chuyện kỳ lạ như Việt Nam, đã dư thừa xe công tới 7.000 chiếc những lại vẫn đề xuất mua mới. Đây là một sự lạm dụng và lãng phí nghiêm trọng, nhất là trong điều kiện ngân sách của nhà nước còn khó khăn”.

Theo ông Doanh, ở nhiều nước trên thế giới hiện nay họ có những quy định rất chi tiết và cụ thể về xe công, thậm chí như ở Thụy Điển là một nước rất phát triển nhưng họ lại không có xe công. Từ Thủ tướng cho đến các bộ trưởng nếu phải di chuyển ở cự ly gần thì đi bộ còn nếu di chuyển xa thì đi tàu điện ngầm. Còn ở Việt Nam thì sao? Chỉ một lãnh đạo tỉnh, thậm chí là lãnh đạo cấp huyện trong ngày nghỉ cũng đi xe biển xanh về quê, đi hiếu, hỉ, hay đi lễ chùa…Cứ tới mùa lễ hội, tôi lại thấy các báo viết rất nhiều về chuyện xe công đi lễ hội, lễ chùa. “Đất nước còn khó khăn mà lãnh đạo lại cứ “phóng khoáng” như vậy thì làm sao mà phát triển nhanh được. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải học tập những cái tốt của các nước”,  ông Doanh nhấn mạnh.

Trước đó, rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, hàng loạt các bộ, ngành, địa phương đều dư thừa xe công với tổng số xe dư thừa lên tới 7.000 chiếc nhưng trong năm 2015 vẫn có hơn 600 xe công được sắm mới. Cũng theo Bộ Tài chính, trung bình chi phí vận hành một chiếc ô tô công là 320 triệu đồng/năm nên tổng khoản tiền chi phí cho bảo trì và vận hành 7.000 xe công dư thừa là 2.240 tỉ đồng.

thua 7.000 xe cong: co phai do lanh dao “phong khoang” hinh anh 1
Dự  kiến, đầu tuần tới Bộ Tài chính sẽ tổ chức cuộc họp liên quan tới các vấn đề dư thừa xe công để có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp để xử lý tình trạng này.

Quản lý yếu kém hay lợi ích nhóm?

Trả lời báo chí mới đây, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, hơn 100 bộ, ngành đang phải rà soát lại số lượng xe công hiện nay không phải là sai sót, chỉ là điều chỉnh định mức. Theo ông Thắng, tới đây sẽ điều chuyển, sắp xếp xe từ nơi thừa sang nơi thiếu, xe nào hết khấu hao thì bán thanh lý.

Lý giải việc dư thừa 7.000 xe công của các bộ ngành, ông Thắng cho biết là do trước quyết định 61 năm 2010 về quản lý tài sản công, mỗi cơ quan hiện đang có bao nhiêu xe thì giữ luôn ngưỡng đó trong suốt mấy năm qua, vô hình trung đây trở thành định mức xe cho các đơn vị. Ngoài ra, có trường hợp ở một số nơi dù đã mua xe mới để thay xe cũ nhưng lại không thanh lý những xe không sử dụng.  Trong bối cảnh phương tiện công cộng phát triển như hiện nay, quy định về quản lý và sử dụng xe công ban hành 5-7 năm trước là không còn phù hợp.  

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, về giải pháp thì cũng đã thấy Bộ Tài chính nói sẽ có 2 phương án là đấu giá để thanh lý xe dư thừa và xe hết hạn sử dụng và tổ chức mua sắm tập trung. “Điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương có tổ chức mua sắm tập trung được hay không. Ngoài ra, những định mức đối với người được sử dụng xe công cũng chưa rõ ràng nên cần phải định mức lại”, ông Phong nói. Theo ông Phong, việc dư thừa tới 7.000 chiếc xe công là khiếm khuyết ở tất cả các ngành, lĩnh vực hiện nay. Qua việc dư thừa xe công cũng cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý và biểu hiện của lợi ích nhóm. “Mấu chốt là đã có quy định nhưng chưa cụ thể và chưa rõ ràng cũng như không có chế tài xử lý đi kèm nên khi xảy ra việc dư thừa xe công, gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước thì chẳng ai phải chịu trách nhiệm.  

Cùng chung quan điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải xem xét lại một cách toàn diện, vì sao phải mua nhiều xe công đến thế. Việc dư thừa gây thất thoát hơn 2.000 tỷ mỗi năm từ xe công là một con số rất lớn, số tiền ấy có thể đầu tư được rất nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội khác nên không thể nói là không ai có trách nhiệm gì được. “Bản thân các bộ, ngành để dư thừa xe công phải chịu trách nhiệm nhưng ngay cả Bộ Tài chính là cơ quan được giao quản lý lĩnh vực này cũng phải chịu trách nhiệm khi để dư thừa xe công lớn đến như thế”, ông Doanh nhấn mạnh.

Theo Thanh Xuân (Dân Việt)