Kinh tế

Thủ tướng "lệnh" không hoãn lộ trình tăng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt

Sau khi Nghị định số 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, cơ quan này đã nhận được kiến nghị của một số Hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoãn thi hành nội dung quy định về giá tính thuế, song đề xuất này đã bị Thủ tướng bác bỏ.

Sau khi Nghị định số 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, cơ quan này đã nhận được kiến nghị của một số Hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoãn thi hành nội dung quy định về giá tính thuế, song đề xuất này đã bị Thủ tướng bác bỏ.

Ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB.

Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu là giá nhà nhập khẩu bán ra; đối với hàng sản xuất trong nước là giá nhà sản xuất bán ra. Hay nói cách khác, theo quy định mới thì các chi phí nhân công, vận chuyển, quảng cáo...đều gộp vào tính thuế.

Chính vì điều này, ngay khi Nghị định đang ở dưới dạng dự thảo thì đã vấp phải phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh rượu - bia - nước giải khát và các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

 Mỗi xe sang có thể tăng giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng sau khi thuế TTĐB tăng từ 1/7. Ảnh minh họa
Mỗi xe sang có thể tăng giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng sau khi thuế TTĐB tăng từ 1/7. Ảnh minh họa

Năm ngoái, hơn 10 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng gồm các thương hiệu lớn như Audi, Bentley và Lamborghini, BMW, Rolls Royce, Porche... đã có văn bản gửi Chính phủ phản đổi việc tăng giá tính thuế TTĐB.

Trên thực tế, việc tăng giá tính thuế TTĐB sẽ khiến giá nhiều dòng xe ô tô cũng như các mặt hàng liên quan bị đẩy giá bán lên.

Mới đây, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế (TTĐB) mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 nhưng cần phải sửa đổi lại lần nữa, vì có một số mặt hàng đang phải chịu thuế TTĐB hiện đã không còn phù hợp và ngược lại, một số mặt hàng mới cần áp thuế TTĐB.

Trong thông cáo mới đây, Bộ Tài chính cho biết, theo quan điểm của Bộ, "việc sửa đổi quy định về giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu là để bảo đảm công bằng về giá tính thuế giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, phù hợp cam kết khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) và phù hợp với quy định của Luật thuế TTĐB; đồng thời việc xây dựng Nghị định được thực hiện theo đúng quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật".

Tuy nhiên, Bộ cũng cho biết, sau khi Nghị định số 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, cơ quan này đã nhận được kiến nghị của một số Hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoãn thi hành nội dung quy định về giá tính thuế khoản 1 Điều 4 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP.

Do vậy, Bộ Tài chính đã có công văn số 4753/BTC-CST ngày 7/4/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về nội dung kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp.

Trên cơ sở công văn báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến của Bộ Tư pháp, Thủ tướng đã yêu cầu “Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 108 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB; đồng thời thông tin, giải thích rõ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp biết thực hiện.”

Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chính thức yêu cầu cơ quan thuế thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến các Hiệp hội, doanh nghiệp biết và thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP.

Như vậy, quan điểm về cách tính thuế TTĐB theo Nghị định số 108 vẫn giữ nguyên chứ sẽ không được hoãn như kỳ vọng trước đó của giới doanh nghiệp kinh doanh. Hay nói cách khác, thuế TTĐB với nhiều mặt hàng sẽ vẫn tăng theo đúng lộ trình.

Từ 1/7, thuế TTĐB với ô tô sang tăng mạnh

Thêm một vấn đề nữa đối với một số mặt hàng ô tô có dung tích xi lanh lớn đó là, theo quy định mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế vừa mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (6/4/2016), thì từ 1/7/2016, ô tô có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 sẽ bị áp thuế 55%; xe trên 3.000 cm3 có mức 90%; xe từ 4.000 – 6.000 cm3 áp thuế từ 130-150%. Mỗi xe sang có thể tăng giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Ngay khi dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt được trình lên Quốc hội, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc bắt đầu tăng vọt từ 6.000 chiếc vào tháng 2/2016 lên 9.000 chiếc vào tháng 3/2016.

Mới đây, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 5/2016 đã tăng mạnh, ước đạt 12.000 xe, tương đương 195 triệu USD; tăng 33% so với tháng 4. Nguyên nhân được lý giải do giới nhập khẩu đang chạy nước rút để "né thuế" theo quy định mới. Dự báo, trong tháng 6, lượng nhập khẩu xe sẽ càng tăng.

Trong khi đó, với mặt hàng rượu - bia - nước giải khát, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 diễn ra mới đây, ông Vũ Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng CTCP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, với việc thuế tiêu thụ đặc biệt điều chỉnh tăng từ mức 50% lên mức 55% bắt đầu từ năm 2016, Sabeco tính toán trong năm nay sẽ mất thêm khoảng 942 tỷ đồng do tăng thuế. Sabeco đã trích 1.500 tỷ đồng cho thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dự kiến trong năm 2016, toàn tổng công ty này phải đóng thuế khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đóng 6.500 tỷ đồng, còn lại là đóng thuế của các công ty liên kết.

Theo Bích Diệp (Dân Trí)