Kinh tế

Thủ tướng: Làm thế nào vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững?

“Điều quan trọng là làm thế nào để vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững. Một số nước xung quanh chúng ta đã được điều này như Nhật Bản, Hàn Quốc... Vậy họ làm gì để đạt được hai mục tiêu tưởng chừng như mẫu thuẫn nhau này?”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra chiều 11/1.

Thủ tướng: Làm thế nào vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây cũng chính là nội dung nổi bật được thảo luận tại Diễn đàn kinh tế 2018 do Ban Kinh tế trung ương tổ chức chiều ngày 11/1.

Thủ tướng cho biết, 2017 là một năm thành công của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDPở mức 6,81%. Việt Nam thuộc nhóm nước có tố độ tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh đã và đang thay đổi đáng kể, cạnh tranh lành mạnh và minh bạch hơn.

“Những điều này đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân, tạo luồng không khí mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn đối mặt với khó khăn thách thức trong trung và dài hạn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, trong cuộc họp Chính phủ với địa phương vừa qua, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra yêu cầu đi liền với tốc độ tăng trưởng là chất lượng phải tăng lên, năng suất cao lên, xã hội yên bình hơn, an ninh an toàn hơn. Nền kinh tế có khả năng chống chịu lớn hơn.

Cũng theo Thủ tướng, chúng ta không được chủ quan, thoả mãn với những kết quả đạt được. Trong thời gian tới cần theo đuổi mô hình tăng trưởng mới, bớt dựa vào các lợi thế như lao động giá rẻ….

“Điều quan trọng là làm thế nào để vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững. Một số nước xung quanh chúng ta đã được điều này như Nhật Bản, Hàn Quốc... Vậy họ làm gì để đạt được hai mục tiêu tưởng chừng như mẫu thuẫn nhau này?”, Thủ tướng nói.

Theo đó người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những vấn đề mấu chốt của nền kinh tế để có thể thực hiện được các mục tiêu trên. Thứ nhất, đó là năng lượng xanh. Thứ hai là cải thiện năng suất. Tiếp đến là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực tín dụng, thương mại và đầu tư.

Thủ tướng cho rằng đây là cuộc đua đường trường, không phải là cuộc chạy đua nước rút. “Chúng ta hãy cùng nỗ lực để tận dụng triệt để cơ hội, phát huy tối đa tiềm lực của nền kinh tế, trở thành con hổ mới của Đông Nam Á. Làm gì để đạt được điều mong mỏi này”, Thủ tướng nói.

6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản và kỳ vọng của Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng chất lượng tăng trưởng Việt Nam còn chậm, năng suất lao động chưa cao. 

Trích câu nói nổi tiếng của ông Krugman, người đạt giải Nobel kinh tế, ông Bình nói: “Năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu về dài thì nó gần như là tất cả”. 

“Tôi rất ấn tượng về 6.000 ngày thần kỳ thay đổi đất nước Nhật Bản. Nhiều bài học quý báu Việt Nam có thể học từ đó. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng Việt Nam tăng mạnh trong thời gian vừa qua”, ông Bình cho biết.

Trước đó, một trong những bài phát biểu gây chú ý tại diễn đàn đó là câu chuyện thần kỳ của Nhật Bản do GS. Trần Văn Thọ, đến từ Đại học Waseda, Tokyo, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kể.

Thủ tướng: Làm thế nào vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững? - 1
GS. Trần Văn Thọ.

GS. Trần Văn Thọ cho biết Nhật Bản đã có khoảng gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%. “6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của nước Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.

Điều đặc biệt, theo GS. Thọ, trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, vị thế của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam hiện tại. Vào thời điểm đó, dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam, nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn số lao động, năng suất lao động thấp.

Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào than đá

Phát biểu tại diễn đàn, cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhiều lần nhấn mạnh năng lượng tái tạo, năng lượng xanh không chỉ là tương lai của khu vực mà còn là tương lai của toàn bộ hành tinh. Ông cho rằng không có cách nào khác cho vấn đề này.

“Vấn đề không phải có tăng trưởng hay không mà quan trọng là tăng trưởng thế nào. Chúng ta không phải sống để làm việc mà làm việc để phụ vụ cuộc sống. Cần phải có cuộc sống sạch, bền vững. Tôi nhấn mạnh lại là tăng trưởng thế nào thì chính sách năng lượng là rất quan trọng”, ông John Kerry nói.

Thủ tướng: Làm thế nào vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững? - 2
 Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

 Cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Việt Nam cần tích cực thay thế bằng năng lượng gió, mặt trời… Việt Nam không cần dựa vào than đá nữa.

“Nếu bạn tính tất cả các chi phí phải trả khi sử dụng nhiệt điện chạy than, từ chất lượng không khí tới ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đó sẽ là một cái giá không hề rẻ. Chính vì thế, mọi người đều hiểu rõ việc chuyển sang dùng năng lượng sạch quan trọng như thế nào để nắm bắt những cơ hội tăng trưởng kinh tế”, ông John Kerry nói.

Theo N.Mạnh (Bizlive.vn)