Kinh tế

Thủ tục hải quan một cửa nhưng bị chê 'còn nhiều khóa’

Nhiều doanh nghiệp vẫn ngại làm việc với chi cục hải quan địa phương và phải gặp cấp cao hơn mới giải quyết được vướng mắc.

Tại buổi tọa đàm “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành” hôm 21/6, đa số các doanh nghiệp đều ghi nhận sự thay đổi, hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan hải quan. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng đang tồn tại một số thủ tục rườm rà, làm mất thời gian của doanh nghiệp. 

Thủ tục hải quan một cửa nhưng bị chê 'còn nhiều khóa’
 Lãnh đạo ngành hải quan lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp tại buổi tọa đàm. 

Ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPFS) cho biết, nhiều doanh nghiệp than thủ tục hải quan "một cửa nhưng vẫn nhiều khóa". Theo ông, doanh nghiệp nộp hồ sơ vào một cửa những không phải hồ sơ nào cũng trôi chảy. Một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ vào một cửa nhưng vẫn phải quay lại làm tục tại chi cục kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật hay loay hoay bổ sung giấy tờ, gọi điện báo cáo thêm nhiều đơn vị...

Bên cạnh những góp ý thẳng thắn, ông Giám cũng đề xuất cơ quan hải quan, cần ưu tiên doanh nghiệp nội hơn bởi hơn 50% cơ chế đối tác ưu tiên của hải quan dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, ông cũng kiến nghị rút ngắn thời gian thông quan các mặt hàng hải sản tươi sống, rau quả tại sân bay từ 2 giờ xuống còn 60 – 90 phút nhằm kích thích tăng lượng xuất khẩu mặt hàng này 2-3 lần trong những năm tới.

“Các doanh nghiệp thủy sản luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Hải quan. Hiệp hội luôn được cơ quan hải quan mời góp ý xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến xuất nhập khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Nam, nhiều doanh nghiệp thuộc hiệp hội vẫn còn tình trạng ngại làm việc với các cục hải quan ở địa phương. “Nhiều việc không giải quyết được ở cấp cục, doanh nghiệp phải phản ánh trực tiếp lên Tổng cục Hải quan vì sợ cấp dưới không xong”, ông Nam cho hay. Vì vậy, ông Nam mong muốn, Ban cải cách do lãnh đạo Tổng cục Hải quan chủ trì, là đầu mối tiếp nhận cho doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa góp ý, cơ quan hải quan có giải pháp tự động hóa để phân loại hàng hóa sớm, giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan. Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng đề xuất, ngành hải quan nghiên cứu áp dụng điện tử hóa thủ tục thanh lý tờ khai tại cảng, đẩy mạnh kết nối điện tử, vận đơn điện tử...

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Cẩn – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã thẳng thắn ghi nhận, giải đáp những kiến nghị, đóng góp của đại diện các doanh nghiệp. Ông Cẩn cũng cho biết, ngành hải quan sẽ tiếp tục cải cách để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo này đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng hành với ngành trong việc thực hiện chính sách của nhà nước liên quan đến xuất nhập khẩu. 

Theo ông Cẩn, các doanh nghiệp có thể gửi ý kiến thắc mắc, phản ánh về thái độ phiền hà, sách nhiễu của cán bộ tới ngành hải quan thông qua đường dây nóng. Qua hình thức này, mọi phản ánh đều được lưu trữ. Từlãnh đạo các cấp, cao nhất là Tổng cục trưởng cho đến các chi cục trưởng sẽ theo dõi hàng ngày, trả lời nhanh nhất sau 5 phút, chậm nhất khoảng 4 tiếng tùy từng vướng mắc.

“Doanh nghiệp không phải nộp thêm bất kỳ khoản chi phí nào ngoài quy định. Đã nộp hồ sơ điện tử, cán bộ hải quan tuyệt đối tuyệt đối không được đòi thêm hồ sơ giấy nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa cán bộ với doanh nghiệp, người dân”, ông Cẩn khẳng định với báo chí bên lề buổi tọa đàm.

Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Tài chính cho biết, Bộ Tài chính mong muốn ngành hải quan cải cách, tạo thuận lợi, lắng nghe hơn nữa để đồng hành với doanh nghiệp tạo thuận lợi thương mại, giúp doanh nghiệp phát triển để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo Anh Tú (VnExpress.net)