Kinh tế

Thu phí cao và tình trạng bỏ trốn tràn lan của lao động Việt ở Đài Loan

Lao động Việt ở Đài Loan đang phải chịu những khoản thu phí cao và tình trạng bỏ hợp đồng diễn ra tràn lan khiến nhiều người lao đao.

Lao động Việt ở Đài Loan đang phải chịu những khoản thu phí cao và tình trạng bỏ hợp đồng diễn ra tràn lan khiến nhiều người lao đao.

thu phí cao

Thu phí cao

Việc thu phí của các lao động nhập cư được quy định rõ trong luật pháp của Đài Loan (Trung Quốc) nhưng thu phí cao lại là thực tế đáng nói diễn ra trong vài năm gần đây.

Lao động Việt phải gánh mức phí nặng nhất từ 3.000 đến 4.000 USD (đối với các lao động trong nhà máy). Thời điểm trước năm 2012, nhiều người lao động bị thu đến 6.000 USD, thậm chí có trường hợp trên 6.000 USD. Trong khi, lao động Philippines, Thái Lan chỉ là 1.000 - 2.000 USD hay Indonesia là 2.000 - 3000 USD.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng thu phí cao này.

Thứ nhất, luật pháp Đài Loan (TQ) quy định các công ty môi giới ở đây không được phép thu phí. Tuy nhiên, do cạnh tranh giữa các công ty này, họ thường yêu cầu khoản phí môi giới rất cao mới tiếp nhận lao động nhập cư các nước, bao gồm cả Việt Nam.

Thứ hai, các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh. Họ chấp nhận trả mức thu phí cao hơn các công ty khác để giành hợp đồng, nhưng gánh nặng tài chính này họ lại đẩy sang phía người lao động.

Thứ ba, nắm được tâm lý và nhu cầu tìm việc làm tại Đài Loan của đại bộ phận lao động Việt, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ nhưng vẫn tham gia cò mồi, môi giới, lừa đảo, thu tiền của người lao động.

Trong khi đó, phía các công ty Đài Loan (TQ) giải thích việc thu phí cao là do trình độ và ý thức của người lao động Việt Nam kém hơn so với lao động nước khác. Vì vậy tỷ lệ lao động phá bỏ hợp đồng cao, mang đến nhiều rủi ro.

Thêm nữa, việc tuân thủ nội quy làm việc và ý thức trong sinh hoạt chưa tốt dẫn đến chi phí quản lý lao động Việt Nam tốn kém hơn. Nhiều nhà máy tuyển dụng lao động nước ngoài thường không chọn lao động Việt, một phần vì trình độ tay nghề còn non kém, song phần nhiều là vì quản lý phức tạp và chi phí quản lý cao.

Phá hợp đồng, bỏ việc tràn lan

thu phí cao

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, khoảng gần 26.000 lao động Việt bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc trái phép ở Đài Loan (TQ). 

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Một trong số đó phải kể đến ý thức của lao động Việt. Nhiều lao động tuân thủ pháp luật kém, manh động, dễ bị rủ rê lôi kéo ra ngoài làm việc bất hợp pháp để được sinh hoạt tự do.

Khi phát sinh mâu thuẫn với chủ thường chán nản, muốn bỏ việc tìm môi trường khác hoặc khi làm việc, thu nhập không ổn định, người lao động có tâm lý muốn bỏ hợp đồng, tìm việc làm có thu nhập tốt hơn.

Tiếp đó phải kể đến việc tuyển chọn lao động chưa tốt, công tác đào tạo bồi dưỡng yếu kém cả về thời lượng và chất lượng.

Ngoài ra, thu nhập của người lao động làm việc tại Đài Loan (TQ) cao hơn nhiều thu nhập của lao động trong nước, cộng với khả năng tìm việc dễ hơn. Vì thế, khi sắp hết hạn phải về nước, người lao động thường bỏ trốn, tìm việc bất hợp pháp để kiếm thêm.

Giải pháp

thu phí cao
Ảnh minh họa

Tháng 3, Bộ LĐ-TBXH đã trình dự thảo Thông tư hướng dẫn về đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại một số thị trường, trong đó có Đài Loan (TQ).

Theo đó, mức thu phí môi giới của lao động khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ không quá 400 USD/người/hợp đồng 3 năm; Lao động làm công việc chăm sóc người bệnh, người cao tuổi tại các cơ sở y tế, dưỡng lão không quá 800 USD/hợp đồng 3 năm; Lao động là thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu hàng được miễn phí, lao động làm ngành nghề khác không quá 1.500 USD/hợp đồng 3 năm, tờ Lao Động cho hay.

Mức lương đối với người lao động khán hộ công gia đình không thấp hơn 17.000 Đài tệ (560 USD)/tháng và được điều chỉnh theo thời kỳ. Đối với các đối tượng lao động khác, mức lương không thấp hơn mức cơ bản mà luật pháp Đài Loan (TQ) quy định và điều chỉnh theo mức tăng lương cơ bản hàng năm.

Với doanh nghiệp dịch vụ, dự thảo quy định các tổ chức này chỉ được thu của lao động Việt tại Đài Loan (TQ) các khoản sau: Tiền dịch vụ lao động khán hộ công gia đình không quá 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm; Lao động là thuyền viên tàu cá gần bờ không quá 620 USD/người/hợp đồng 3 năm; Lao động làm ngành nghề khác không quá 1 tháng lương cơ bản/năm hợp đồng.

Tờ Taiwan News tháng 4 cho biết, bộ Lao động Đài Loan (TQ) đã sửa đổi luật, giảm phí cho lao động nhập cư. Cụ thể, các công ty môi giới không được phép thu quá 1.500 Đài tệ (50 USD)/tháng với lao động nhập cư làm việc trên 2 năm ở Đài Loan (TQ).

Ngoài ra, nếu hết thời hạn làm việc, người lao động có thể được thuê lại để tiếp tục làm việc thay vì phải về nước như trước đây.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của lao động Việt. Bản thân họ phải thay đổi để được hưởng quyền lợi chính đáng, trước khi đòi hỏi từ các yếu tố khách quan.

Theo Nguyễn Thái (Tintuc.vn)