Kinh tế

Thu hơn 28.000 tỷ từ bán vốn DNNN kể từ đầu năm

Tuy số tiền bán vốn các DNNN tăng mạnh, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu không được chạy theo tiến độ mà cần lấy thực chất là chính.

Ngày 25/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.

Số thu bán vốn DNNN đạt 28.055 tỷ đồng

Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672,09 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 23.084,23 tỷ đồng.

Trong đó, Nhà nước nắm giữ 58,83% vốn điều lệ, bán cho nhà đầu tư chiến lược ngoài doanh nghiệp 40,66%, bán cho người lao động 0,51%.

Đã có 16 doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho cổ đông chiến lược, thu về 22.457,29 tỷ đồng khi bán 46% vốn điều lệ cho cổ đông. Số thu này gấp 4,5 lần số thu từ IPO của cả năm 2017.

Thu hơn 28.000 tỷ từ bán vốn DNNN kể từ đầu năm
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) là một trong những DNNN được bán vốn thành công giai đoạn vừa qua. Ảnh: Báo Đầu Tư.

Trong số 16 doanh nghiệp này, có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội.

Về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, địa phương đã thoái vốn tại 42 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách), trong đó 10 doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng). Như vậy từ năm 2016 tới nay, số thu từ cổ phần hóa gấp 2,5 lần tổng số thu giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ).

Cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án vào năm 2020

Đối với việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt - Trung).

4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định (Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS).

Thu hơn 28.000 tỷ từ bán vốn DNNN kể từ đầu năm - 1
4/12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương đã làm ăn có lãi. Ảnh: Hiếu Công.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của Nhà máy (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ).

Đối với 3 dự án đầu tư xây dựng dở dang, ngoài dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, thì 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên).

Ban chỉ đạo cho rằng những thành quả ban đầu sẽ góp phần để Bộ Công Thương cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án vào năm 2020.

“Không chạy theo tiến độ để bán vốn đạt hiệu quả tối đa”

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên ông cho rằng hiện TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương có nhiều DNNN chưa cổ phần hoá nhất, trong khi các bộ, ngành Trung ương còn rất ít. Đồng thời, số lượng DNNN cổ phần hoá niêm yết trên thị trường chứng khoán rất thấp, mới chỉ có 150 trong số khoảng 700 DNNN đã cổ phần hoá.

Đối với việc chậm thực hiện kế hoạch cổ phần hoá đã được Thủ tướng phê duyệt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng vướng mắc lớn nhất là xác định, phê duyệt đất đai của DNNN cổ phần hoá. Bên cạnh đó là các nguyên nhân số lượng DNNN thực hiện kiểm toán trước khi cổ phần hoá tăng mạnh.

Thu hơn 28.000 tỷ từ bán vốn DNNN kể từ đầu năm - 2
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa. Ảnh: Thành Chung.

Ngoài ra nhiều DNNN có quy mô lớn thực hiện cổ phần hóa; việc chậm cổ phần hóa, bán vốn theo kế hoạch là do các hướng dẫn chưa được các bộ ban hành đầy đủ, thị trường chứng khoán giảm mạnh trong vài tháng qua.

Để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tình hình, kế hoạch triển khai trong 6 tháng cuối năm để trình Thủ tướng, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan để đôn đốc, giám sát.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa. Ông cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DNNN.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính công khai các DNNN đã cổ phần hoá mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn. Bộ này cũng được giao sớm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định thủ tục bàn giao tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao báo cáo kịp thời về Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI; chỉ đạo Tổng cục Thống kê phối hợp với VCCI công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp đầu tiên vào Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2018.

Theo Hiếu Công - Thành Chung (Tri Thức Trực Tuyến)