Kinh tế

Thị trường Trung thu ở nông thôn: Vắng vẻ và ế ẩm

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm tháng Tám, nhưng thị trường Trung thu năm nay có vẻ ảm đạm hơn mọi năm, nhất là ở ngoại thành Hà Nội và các vùng quê.

Thị trường Trung thu ở nông thôn: Vắng vẻ và ế ẩm
Hai cửa hàng bán bánh Trung thu ở Đông Anh vắng bóng khách mua hàng.

Bánh Trung thu thưa thớt người mua

Vào thời gian này của những năm trước, không chỉ các thành phố lớn mà ngay cả ở những vùng ven Thủ đô hoặc các tỉnh, thành khác, các cửa hàng bánh Trung thu tấp nập kẻ mua người bán. Tùy theo  nhu cầu của người tiêu dùng và đối tượng người sử dụng, các hãng bánh nổi tiếng và các cơ sở sản xuất bánh truyền thống đều đông nghịt người. Hình ảnh người mua phải xếp hàng dài mua bánh trong mùa Trung thu nay không còn nữa.

Đến xã Kim Nỗ thuộc huyện Đông Anh (TP. Hà Nội), tuy không xa trung tâm thành phố, nhưng hình ảnh những cửa hàng bán bánh Trung thu, kể cả những thương hiệu nổi tiếng, hay có uy tín trên thị trường, đều cùng chung tình cảnh... “vắng bóng” khách hàng.

Ghé vào một cửa hàng bán bánh Kinh Đô nằm sát trục đường chính trên địa bàn, trao đổi với người bán hàng được biết, cửa hàng này được dựng lên từ đầu tháng đến nay, tuy nhiên, lượng khách hàng mua bánh không nhiều so với những năm trước, mở bán cả ngày nhưng cũng chẳng có được bao nhiêu khách hàng. Theo đánh giá của người bán hàng, năm nay thị trường bánh Trung thu khá đìu hiu.

Ngay sát bên cạnh là quầy bán bánh Trung thu của hãng Bibica, cửa hàng này cũng  không khác gì quầy bánh Kinh Đô bên cạnh. “Khách hàng đến đây mua ít lắm anh ạ, không nhiều như mọi năm”, nhân viên bán bánh Bibica chia sẻ.

Nằm khiêm tốn cạnh con đường liên xã, cửa hàng bán bánh Trung thu của Công ty TNHH TM và DV Minh Nguyệt cũng chung  “số phận”. Mặc dù cửa hàng đã đưa ra khuyến mãi mua 6 tặng 1 với loại bánh Trung thu siêu sạch, không chất bảo quản, nhưng cũng  không thu hút được nhiều khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Như, ở xã Kim Nỗ, cho biết: Những năm trước, bánh Trung thu được tiêu thụ nhiều ở đây, khách hàng cũng có nhiều loại, gia đình nào có điều kiện thì sử dụng các loại bánh có tên tuổi, còn không thì chỉ sử dụng bánh gia công truyền thống. Nhưng theo bà Như: Bánh Trung thu được người dân ở đây ưa chuộng và tiêu thụ nhiều vẫn là những loại bánh của Bánh mứt kẹo Hà Nội vì nó hợp khẩu vị, giá cả phù hợp với túi tiền người dân ngoại thành.

“Nhu cầu của người dân bây giờ không còn giống ngày xưa, các loại bánh nổi tiếng chỉ phù hợp với những người có điều kiện ở thành phố, còn vùng ven đô ngoại thành và các tỉnh lại ưa chuộng những loại bánh truyền thống, giá cả vừa phải. Mặt khác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề khiến người dân đắn đo khi bỏ tiền ra mua bánh. Chính vì những nguyên nhân đó mà đến nay, các cửa hàng bán bánh Trung thu ở đây vẫn vắng bóng khách hàng mặc dù Tết Trung thu đã đến rất gần”, bà Như cho biết thêm.

Đồ chơi truyền thống “lép vế” trước đồ chơi Trung Quốc

Tết Trung thu, ngoài bánh nướng và bánh dẻo, một thứ không thể thiếu đối với trẻ em chính là đồ chơi. Khi xưa, thứ mà  trẻ em vui thích nhất mỗi khi đến mùa Trung thu là được cha mẹ “sắm” cho chiếc đèn ông sao, đèn ông sư hay là những chiếc mặt nạ, đầu sư tử, cái trống, đèn lồng, đèn con cá làm bằng giấy bóng các màu…, để rồi khi đêm xuống, tất cả tập trung tại sân đình cùng rủ nhau xem múa sư tử và phá cỗ chơi trăng.

Thị trường Trung thu ở nông thôn: Vắng vẻ và ế ẩm - 1
Đồ chơi Trung Quốc được bán tại chợ trung tâm Sóc Sơn

Vào trong một khu chợ trung tâm của huyện Sóc Sơn, tìm đến những gian hàng bày bán đồ chơi Trung thu, chị Lan, chủ cửa hàng bán đồ chơi, chia sẻ: “Đồ chơi truyền thống bây giờ rất ít trẻ em muốn chơi vì không đẹp, không bắt mắt, nhanh hỏng. Đồ chơi Trung Quốc vừa rẻ, đẹp lại bắt mắt, nhìn như đồ thật, trẻ em rất thích. Nhưng bày nhiều ra đấy mà chẳng thấy có mấy khách hàng hỏi mua anh ạ”.

Chỉ tay vào những sản phẩm đồ chơi đủ sắc màu rực rỡ trên các kệ hàng, chị Lan nói: “Bây giờ là buổi chiều rồi mà chúng tôi có bán được mấy đâu, mọi năm thì còn bán được chứ năm nay bán chậm lắm”.

Tương tự cửa hàng bán đồ chơi của chị Lan ở chợ, một số cửa hàng bán đồ chơi nằm trên trục Quốc lộ 3 cũng vắng bóng khách đến mua hàng. Chủ của hàng đồ chơi tại phố Nỉ vừa cười vừa bảo: “Năm nay bánh còn ế, nói gì đến đồ chơi”.

Đồ chơi truyền thống tại vùng ngoại thành Hà Nội rất ít, không có là bao. Nhìn những chiếc đèn ông sao được bày bán trên hè đường bên cạnh những đồ chơi của Trung Quốc trông nhỏ bé biết bao. Những thứ đồ chơi đó đã một thời đi vào ca dao, thơ ca, đi vào trong tâm thức và ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ, giờ nằm khiêm tốn một chỗ để nhường cho những thứ đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc sặc sỡ, bắt mắt.

Rằm tháng Tám đến gần, nhưng dường như không khí Trung thu ở vùng ven đô vẫn còn chưa có nhiều hoạt động. Những cửa hàng bày bán đồ chơi, bánh Trung Thu được dựng lên và bày bán ở khắp nơi nhưng vắng bóng người mua, những thứ đồ chơi truyền thống nằm yên ắng trên các kệ hàng…, nhường chỗ cho đồ chơi Trung Quốc.

Theo Ngọc Thủy (Kinh Tế Nông Thôn)