Kinh tế

Tháo ngòi nợ xấu

Một lần nữa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại ra sức thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu.

Tháo ngòi nợ xấu
Ảnh minh họa

Theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nâng cao năng lực giai đoạn 2017-2010 và hướng tới 2022; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu VAMC đã mua; đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường.

VAMC tăng cường phối hợp với TCTD để rà soát, phân loại, đánh giá lại tài sản bảo đảm và các khoản nợ xấu đã mua nhằm xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị với NHNN nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, mua bán nợ xấu; hằng năm, tổng hợp kết quả, các biện pháp xử lý nợ xấu đề đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu gửi NHNN.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Tổng giám đốc các TCTD chỉ đạo sát sao công tác triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058. Trong đó, lưu ý TCTD áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đảm bảo mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt/chấp thuận; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đảm bảo đúng lộ trình đề ra.

Các TCTD khẩn trương trình phê duyệt và/hoặc triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử nợ xấu; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lãi suất, huy động vốn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu trên toàn hệ thống.

Việc xử lý nợ xấu thông qua thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo đang được triển khai mạnh mẽ. Lý do là Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ nợ của ngân hàng và VAMC, cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án và cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách. Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp chây ỳ, vin cớ đang tranh chấp nội bộ, người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt… để không bàn giao tài sản đảm bảo, thì từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, một số khách hàng đã tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém còn chậm. Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan quản lý và chính các ngân hàng phải cùng bàn thảo, đề xuất thêm giải pháp, qua đó cùng cơ quan công quyền sớm giải tỏa “cục máu đông” nợ xấu tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua.  

Theo T.Hằng (Daidoanket.vn)