Kinh tế

Thảm họa cháy chung cư: Đừng để chết người rồi mới đi kiểm tra

Bi kịch ở chung cư Carina diễn ra vào đầu năm, thời điểm các doanh nghiệp địa ốc sôi nổi giới thiệu hàng mới trên thị trường. Tâm lý nặng nề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những dự án vừa ra mắt mà còn kéo dài thành nốt lặng trên thị trường căn hộ. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân vẫn phải tìm cách “sống chung” với chung cư.

Căn hộ “đứng hình”

Giữa tâm điểm Carina, một dự án mới tiếp tục ra mắt ở huyện Nhà Bè theo kế hoạch đã định. Tuy nhiên, trong buổi ra mắt đó, điều mà khách hàng quan tâm nhiều nhất không phải là diện tích hay giá bán, mà là phương án phòng cháy chữa cháy của dự án.

“Khách quan tâm rất nhiều vì đây là dự án có mức giá phù hợp, dành cho nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, có vẻ như họ đang chững lại và quan sát. Chủ đầu tư phải thuyết phục nhiều hơn về giải pháp phòng chống chữa cháy của mình trong giai đoạn này”, đại diện chủ đầu tư dự án trên cho hay.

Tương tự, lãnh đạo một công ty phân phối độc quyền cho 2 dự án căn hộ ở khu vực phía Bắc TP.HCM cho biết, khách hàng trong những ngày nay liên tục hỏi thăm về tình hình và phương án phòng cháy chữa cháy.

Thảm họa cháy chung cư: Đừng để chết người rồi mới đi kiểm tra
Bi kịch ở chung cư Carina khiến nhiều người lo sợ về chuyện PCCC

Một chủ đầu tư khác, là doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng vừa ra mắt dự án mới ở quận 7 cho hay, công ty chưa ghi nhận trường hợp trả cọc nhưng việc kí hợp đồng chậm hơn rõ rệt. “Trước đây trung bình mỗi ngày số lượng giao dịch đạt khoảng 50-70, trong khi hiện nay chỉ còn khoảng 15-20 giao dịch. Thị trường căn hộ đã có khoảng lặng trong thời gian qua vì lý do tâm lý”, đại diện chủ đầu tư này nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), cho rằng tác động lên thị trường căn hộ chưa được ước lượng rõ ràng, nhưng tác động tâm lý tới người tiêu dùng là có thật, dẫn đến việc người tiêu dùng chậm lại để xem xét các quyết định của mình.

Dù vậy, hầu hết các chủ đầu tư tin rằng sự trầm lắng của thị trường sẽ không kéo dài lâu. Còn theo dự đoán của ông Châu, khoảng lặng trên thị trường căn hộ ước chỉ kéo dài từ 3-6 tháng vì căn hộ chung cư vẫn là xu hướng chủ đạo cho việc giải quyết bài toán nhà ở tại các đô thị lớn.

Thực tế không chỉ bản thân người mua lùi một bước để nhìn lại dự án, đây cũng là khoảng thời gian để các nhà phát triển bất động sản nhìn lại kiểm tra lại hệ thống phòng cháy chữa cháy các dự án hiện hữu của mình. Có nhiều doanh nghiệp thậm chí còn mời cơ quan chức năng tham gia kiểm tra lại các thiết bị, tập huấn cho người dân để củng cố niềm tin cho thị trường.

Bi kịch ở Carina dự kiến mang lại một kịch bản mới mẻ hơn trên thị trường căn hộ năm nay. Theo ông Châu, một tiêu chuẩn mới đã xuất hiện trong các giao dịch bất động sản. “Người tiêu dùng đòi hỏi cao hơn và khắt khe hơn về chất lượng dự án, điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn bán được hàng”, ông Châu nói.

Thực ra, các tiêu chuẩn này không hẳn là mới vì quy định về phòng cháy chữa cháy luôn là bắt buộc, nhưng lại bị người mua dễ dàng bỏ qua, còn người dân ở trong các căn hộ thì lại không có nhiều kiến thức và chưa từng có kinh nghiệm ứng phó với “bà hỏa”.

Giám sát tốt để sống chung an toàn

Vấn đề “sống chung” trong chung cư đã được nói đến nhiều từ trước đến nay ở nhiều khía cạnh của cuộc sống, nhưng đặc biệt quan trọng hơn sau thảm họa cháy ở Carina về việc phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ông Châu lập luận, nếu tất cả các chủ thể có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC ở chung cư (đã tương đối đầy đủ) thì sẽ không xảy ra nhiều vụ cháy như vừa qua.

Đầu tiên, có thể thấy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong câu chuyện về phòng cháy chữa cháy ở các tòa nhà cao tầng. Đầu tháng 4, sau một thời gian im lặng, Công ty Hùng Thanh (Công ty cổ phần đầu tư 577 sở hữu gần 95%) đã lên tiếng xin lỗi cư dân, cam kết khắc phục hậu quả và không trốn tránh trách nhiệm dưới vai trò là chủ đầu tư.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Băng, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM cho biết nguyên nhân vụ cháy nghiêm trọng là vì báo cháy chậm, hệ thống phòng cháy chữa cháy của chung cư không hoạt động và hệ thống thoát nạn (cầu thang thoát hiểm) cũng bị vô hiệu hóa.

Trầm trọng hơn, là câu chuyện của Carina kéo dài từ nhiều năm nay nhưng không được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng liên quan giải quyết dứt điểm.

Chẳng hạn, thống kê cho thấy kể từ khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2012 đến nay, trong 22 lần kiểm tra, cảnh sát PCCC đã 4 lần xử phạm vi phạm hành chính vì 7 lỗi hệ thống phòng cháy và hệ thống thoát nạn. Trong đó, lần gần nhất là vào tháng 12/2017.

Nhưng Carina không phải là duy nhất, thực tế thị trường hiện nay không thiếu những trường hợp mà chủ đầu tư sai phạm và các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý. Ngay tại Hà Nội, 17 tòa chung cư vi phạm PCCC không thể khắc phục vẫn ra đời và hoạt động. Thậm chí, khi đã xảy ra thảm họa cháy chết người vẫn có ý kiến xin hạ chuẩn để hoạt động. Như vậy, trách nhiệm của cơ quản lý sẽ ra sao nếu xảy ra cháy và chết người?

Trong bối cảnh các chủ đầu tư cần “chuẩn” mới thì yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn từ phía quản lý nhà nước. Không thể có chuyện buông lỏng đến khi cháy chết người mới đi kiểm tra.

Bên cạnh đó, “Người dân sống trong chung cư cần nhận thức được yêu cầu "sống chung" trong cùng chung cư, cùng có quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau, hỗ trợ nhau, tham gia các buổi huấn luyện, thực hành, diễn tập đảm bảo an toàn PCCC. Trước hết là tham gia Đại hội chung cư, bầu Ban quản trị chung cư có năng lực và trách nhiệm”, ông Châu nhận định.

Thảm họa cháy chung cư: Đừng để chết người rồi mới đi kiểm tra - 1
Chung cư vẫn là một loại hình nhà ở cần thiết và an toàn.

Qua câu chuyện này cũng nhấn mạnh vai trò của người dân. Kiến thức của các hộ dân cư trong vấn đề phòng cháy, chữa cháy cũng quan trọng không kém gì yếu tố thiết kế của chủ đầu tư và quản lý của Ban quản trị. Đại diện công ty Song Ngọc cho rằng cần hỗ trợ người dân đọc được các bản thiết kế và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy dễ hiểu hơn so với hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, nhìn nhận, chung cư cao tầng nếu được đầu tư đúng chuẩn thì rủi ro thấp hơn nhiều so với các khu dân cư tập trung truyền thống khác. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cho dù luật về quản lý, vận hành nhà chung cư ở Việt Nam đầy đủ không thua gì các nước phát triển, nhưng việc thực thi lại không được giám sát nghiêm ngặt. Điều này đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm của đơn vị đầu tư vận hành, quản lý các dự án và giám sát.

Cũng theo ông Thành, “Vai trò của ban quản trị rất lớn, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho cư dân”, ông Thành nhận xét.

Điều thị trường căn hộ còn thiếu hiện nay có lẽ là một cơ chế “sống chung” giữa các bên. Có thể hiểu đó là cơ chế phối hợp, gồm thực thi và giám sát, giữa các bên tham gia dự án (chủ đầu tư, đơn vị thị công, quy hoạch, thiết kế và giám sát), cơ quan quản lý (các bộ ngành liên quan), các hộ dân sinh sống trong chung cư, nhà cao tầng và cầu nối quan trọng nhất là ban quản trị.

HOREA dẫn số liệu thống kê đến tháng 9/2016, toàn TP.HCM có 1.037 chung cư. Có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có 15 chung cư cũ bị hư hỏng nặng xếp loại nguy hiểm cấp D.

Từ năm 2012 đến 9/2016, toàn thành phố đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở.

Riêng trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

Thậm chí, một số chung cư, nhà cao tầng chưa thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở như chung cư Thái An 3, 4; chung cư Bảy Hiền Tower (số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình).

Theo Gia Hưng (VietNamNet)