Kinh tế

"Tăng xông" với thuế thu nhập cá nhân: Quy định chặt, người dân nộp thuế thu nhập cá nhân oan

Sau khi PV phản ánh về hàng loạt quy định bất cập liên quan đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhiều bạn đọc tiếp tục phản ảnh thêm những trường hợp cho thấy người nộp thuế đang bị tận thu.

Sau khi PV phản ánh về hàng loạt quy định bất cập liên quan đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhiều bạn đọc tiếp tục phản ảnh thêm những trường hợp cho thấy người nộp thuế đang bị tận thu.

Ông Nguyễn Tấn Khoa, kinh doanh phòng trọ cho thuê tại P.Tân Tạo (Q.Bình Tân), bức xúc về cách tính thuế đối với hộ kinh doanh - Ảnh: HỮU THUẬN

Theo quy định từ ngày 1-1-2015, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế TNCN mà không còn được giảm trừ gia cảnh như trước.

Điều đáng nói là chỉ cần doanh thu vượt lên trên 100 triệu, người kinh doanh phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu thay vì chỉ tính phần vượt này, gây bức xúc cho nhiều hộ cá nhân kinh doanh.

Bất công với người kinh doanh nhỏ

Ông Nguyễn Tấn Khoa, kinh doanh phòng trọ cho thuê tại P.Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM), bức xúc cho biết ông đứng tên kinh doanh 16 phòng trọ, doanh thu 1 tháng 16 triệu đồng.

Nếu được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân và 3 người con đang tuổi đi học như người làm công ăn lương, mức giảm trừ tổng cộng lên đến 19,8 triệu đồng/tháng, ông sẽ không phải nộp thuế.

Thế nhưng do không được áp dụng giảm trừ gia cảnh nên ông Khoa phải đóng thuế trên toàn bộ doanh thu.

Đáng nói là thu nhập từ cho thuê phòng trọ không ổn định, có tháng trống 2-3 phòng nhưng tiền thuế bị cơ quan cứ “đè” ra thu từ đầu năm và thu một lần cho cả năm, tổng cộng hơn 10 triệu đồng.

“Khi tôi thắc mắc, cơ quan thuế giải thích đó là thuế khoán, lời ăn lỗ chịu. Như vậy là quá bất hợp lý. Chị tôi làm ngân hàng, hằng tháng đều được giảm trừ gia cảnh, vậy sao chúng tôi lại không?” - ông Khoa đặt câu hỏi.

Tương tự, mẹ của ông Khoa (71 tuổi) có 10 phòng trọ cho thuê tại Bình Tân cũng phải nộp thuế, dù trong 10 triệu đồng/tháng mà bà thu được từ cho thuê phòng trọ có đến 5 triệu để mua thuốc trị bệnh, chưa kể phải đóng lệ phí môn bài 1 triệu đồng, nhưng mua bảo hiểm y tế không được giảm trừ.

“Nếu không được giảm trừ gia cảnh như người làm công ăn lương, những hộ kinh doanh nhỏ như chúng tôi rất thiệt thòi” - ông Khoa bức xúc.

Chị Nguyệt - một người bán hàng ăn - cho biết mức doanh thu 100 triệu đồng, tương đương khoảng 8,4 triệu đồng/tháng (280.000 đồng/ngày) mới khỏi đóng thuế là quá thấp. Bởi với giá một tô bún tại TP.HCM hiện khoảng 30.000 đồng, chỉ cần bán khoảng 10 tô bún là rơi vào ngưỡng chịu thuế, trong khi trong số tiền thu được có đến một nửa là tiền vốn.

“Trước đây hộ kinh doanh như tôi cũng được tính giảm trừ gia cảnh như người làm công ăn lương, nhưng từ tháng 1-2015 không còn được giảm trừ gia cảnh trong khi cứ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế là quá bất công” - chị Nguyệt nói.

Chị Nga (Bình Thạnh) mở tiệm làm tóc cũng cho rằng mức doanh thu 100 triệu đồng/năm có thể được xem là con số lớn ở những địa bàn vùng xa, nhưng với những địa phương có mức sống cao như Hà Nội và TP.HCM thì mức này không thấm vào đâu.

“Mở cửa tiệm mỗi ngày là hàng loạt thứ tiền như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhân viên... nên doanh thu 280.000 đồng/ngày không thể tồn tại được, chưa kể còn phải nuôi con nhỏ. Nên nếu cứ căn cứ vào mức 100 triệu đồng mà đè chúng tôi ra thu là quá bất hợp lý” - chị Nga phân tích.

Trợ cấp thôi việc cũng bị thu thuế

Chị Song Phượng, phụ trách về tiền công tiền lương tại một doanh nghiệp (DN), phản ảnh bức xúc liên quan đến việc tạm khấu trừ thuế TNCN khi trả trợ cấp thôi việc.

Theo chị Phượng, khi muốn chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với nhân viên vì một lý do nào đó, DN thường chọn giải pháp nhẹ nhàng là mời người lao động đến thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ và hợp pháp cho đến khi người lao động ký tên vào bản nhận tiền thì phát sinh vấn đề. Nguồn gốc của sự cố vào phút cuối này là việc DN tạm khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả các khoản theo thỏa thuận cho người lao động.

Điều bất hợp lý là theo hướng dẫn của Cục Thuế TP, DN phải tạm khấu trừ thuế khi chi tiền bồi thường trong khi theo Tổng cục Thuế, khoản tiền bồi thường hợp đồng cho người lao động được miễn thuế TNCN.

Do đó không có sự thống nhất trong hướng dẫn, DN phải “thủ” cho mình bằng cách khấu trừ thuế và giải thích cho người lao động rằng sẽ quyết toán vào cuối năm và hoàn lại nếu nộp thừa.

Thế nhưng, với người lao động, đây là khoản bị khấu trừ, việc thực hiện thủ tục quyết toán thuế là bất khả thi do đang đứng trước ngưỡng cửa thất nghiệp.

Đã có rất nhiều vụ xảy ra căng thẳng giữa DN và người lao động trong khi khoản thu từ khoản trợ cấp thôi việc không đáng kể.

“Cần quy định rõ các khoản thu nhập khi chấm dứt hợp đồng lao động được miễn thuế TNCN. Như vậy, người lao động sẽ không có cảm giác bị tận thu ngay vào thời điểm bước qua tình trạng thất nghiệp.

Và phía DN cũng không phải xử lý chi tiết phát sinh vào thời điểm cuối cùng trước khi kết thúc một quan hệ lao động mà nếu xử sự không đúng sẽ khiến DN vi phạm pháp luật hoặc bị lôi vào quá trình tranh chấp” - chị Phượng kiến nghị.

Ông Nguyễn Long (Nhà Bè) lại bức xúc vì bán căn nhà duy nhất cũng bị thu thuế. Ông Long cho biết mua căn nhà nhỏ tại huyện Nhà Bè từ một năm trước nhưng do hồ sơ thủ tục kéo dài đến ngày 25-5-2016 ông mới được cấp giấy chủ quyền.

Đến ngày 15-7, ông bán đi do chưa sở hữu đủ 183 ngày như trong giấy chứng nhận nên bị đánh thuế TNCN với mức 6 triệu đồng.

“Tôi bức xúc vì trong Luật thuế TNCN không có quy định nào về việc phải sở hữu đủ 183 ngày trong khi đó nghị định lại đặt thêm điều kiện, gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của người nộp thuế” - ông Long nói.

Nên sớm sửa đổi quy định bất hợp lý

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên trưởng phòng thuế TNCN, Cục Thuế TP.HCM - cho rằng những phản ảnh trên của người lao động đều có lý và cơ quan thuế nên nghiên cứu để sửa đổi.

“Có rất nhiều khoản thu mà khi quy định cơ quan thuế không hình dung hết trong thực tế, dẫn đến khi áp dụng người dân bức xúc và phản ảnh.

Theo tôi, cơ quan thuế nên ghi nhận, tránh việc quy định chi li khiến người nộp thuế luôn có cảm giác mình bị xử ép, thiệt thòi, đồng thời thể hiện sự nhân đạo trong chính sách thuế”.

Với chính sách thuế với hộ kinh doanh, luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng có sự không công bằng giữa các đối tượng chịu thuế.

Theo ông Xoa, trong khi cá nhân kinh doanh chỉ được miễn thuế với điều kiện doanh thu không vượt 100 triệu đồng/năm (hơn 8,3 triệu đồng/tháng), người làm công ăn lương (do được giảm trừ gia cảnh cho bản thân 9 triệu đồng/tháng) nên thu nhập một năm từ 108 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế. Nếu họ có một người phụ thuộc, thu nhập 151,2 triệu đồng/năm cũng được miễn thuế TNCN.

“Tôi nhớ vào tháng 9-2015 tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, Bộ Tài chính đề xuất mức doanh thu của hộ kinh doanh dưới 150 triệu đồng/năm (tức bình quân 12,5 triệu đồng/tháng) thì không phải đóng thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Nhưng sau này nội dung này không được thông qua.

Rõ ràng chính cơ quan thuế cũng thấy bất hợp lý khi lấy mức doanh thu 100 triệu đồng để áp dụng cho hộ kinh doanh. Do vậy cần sớm sửa đổi để công bằng giữa các đối tượng nộp thuế” - ông Xoa nhấn mạnh.

Rối cách hiểu doanh thu 100 triệu đồng

Theo quy định, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống được miễn thuế. Tuy nhiên, nếu cá nhân kinh doanh nhỏ có doanh thu 90 triệu đồng/năm, ngoài ra còn có nguồn thu nhập từ cho thuê nhà với mức 80 triệu đồng/năm, hai khoản doanh thu này được gộp vào để tính hay tách riêng?

Đây là câu hỏi đã được một chi cục thuế gửi đến Cục Thuế TP.HCM, nhưng chỉ trong vòng 10 ngày, chi cục thuế này nhận được hai văn bản hướng dẫn với nội dung trái ngược nhau. Trong đó, một văn bản cho rằng tách riêng hai loại doanh thu nên cá nhân rơi vào trường hợp này không phải nộp thuế, nhưng một văn bản khác lại khẳng định phải gộp chung hai doanh thu và tính thuế.

 

Cục Thuế TP.HCM: ghi nhận để sửa đổi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ ghi nhận những góp ý của người nộp thuế và sẽ có kiến nghị lên Tổng cục Thuế, đồng thời trong thời gian tới khi tham gia xây dựng chính sách Cục Thuế TP cũng sẽ có góp ý. “Khi xây dựng luật, cơ quan thuế đã nghiên cứu và có sự so sánh với các nước, tuy nhiên qua thời gian áp dụng có thể nhiều quy định không còn phù hợp thực tế và cần nghiên cứu để sửa đổi” - vị đại diện này nói.


Theo Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)