Kinh tế

Tăng lương tối thiểu để cải thiện đời sống của lao động yếu thế

Bộ Lao động cho rằng tăng lương tối thiếu để đảm bảo tiền lương có giá trị thực tế, nâng dần mức sống tối thiểu của người lao động.

Bộ Lao động cho rằng tăng lương tối thiếu để đảm bảo tiền lương có giá trị thực tế, nâng dần mức sống tối thiểu của người lao động.

Mức tăng 6,5% đầu năm 2018 đã tính đến tác động, chi phí của doanh nghiệp. Mức tăng chi phí bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 0,5-0,6%, các ngành dệt may da giày, thủy sản tăng 1,2-1,5%.

"Chúng tôi cho rằng mức tăng lương phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, cải thiện đời sống người lao động, đặc biệt với lao động yếu thế", bà Tống Thị Minh khẳng định.

tang-luong-toi-thieu-de-cai-thien-doi-song-cua-lao-dong-yeu-the

Lương tối thiểu là mức sàn để doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Ảnh minh họa: Anh Quân. 

Bà Minh cũng cho rằng, mức lương tối thiểu những năm qua tăng thấp hơn các giai đoạn trước. Năm 2017 tăng 7,2%, năm 2018 dự kiến tăng 6,5%. Mức này đã bù đắp CPI (trượt giá) để đảm bảo tiền lương có giá trị thực tế và nâng dần mức sống tối thiểu của người lao động.

Theo bà, nâng lương tối thiểu cũng nâng mức sống của lao động bốn ngành là dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ. Đây là các ngành sử dụng lao động làm gia công, năng suất thấp, nên các doanh nghiệp phần lớn trả lương không chênh nhiều so với lương tối thiểu. 

Bộ Lao động đang xây dựng dự thảo mức lương tối thiểu vùng và lấy ý kiến bộ ngành, doanh nghiệp và người lao động để trình Chính phủ phê duyệt, áp dụng từ 1/1/2018. Dự kiến Bộ Lao động sẽ trình Chính phủ ký ban hành vào tháng 10 tới để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị điều chỉnh lương trung bình. 

Trong một hội thảo mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng lương tối thiểu ở Việt Nam đang gây khó khăn, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn tại Indonesia.

Theo Bộ Lao động, 9 tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong cả nước là 2,28% (khu vực thành thị 3,22%, khu vực  nông thôn là 1,8%). Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động đang cao hơn cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, số người thất nghiệp có trình độ "đại học trở lên" giảm so với cùng kỳ năm 2016. 

Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)