Kinh tế

Tài sản của các ngân hàng vượt ngưỡng 9 triệu tỷ đồng

Dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong tháng 6, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng thêm 150.118 tỷ đồng (tương đương tăng 1,67%) lên mức 9.117.276 tỷ đồng.

Dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong tháng 6, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng thêm 150.118 tỷ đồng (tương đương tăng 1,67%) lên mức 9.117.276 tỷ đồng.

Cụ thể, tài sản của khối NHTM Nhà nước tăng thêm tới 69.989 tỷ đồng lên 4.145.993 tỷ đồng; khối ngân hàng TMCP tăng thêm 60.692 tỷ đồng lên 3.671.490 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài tăng thêm 16.314 tỷ đồng lên 874.434 tỷ đồng; khối công ty tài chính - cho thuê tăng 2.065 tỷ đồng lên 128.093 tỷ đồng; Quỹ Tín dụng nhân dân tăng 1.231 tỷ đồng lên 98.376 tỷ đồng.

Xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTM Nhà nước đang dẫn đầu về tổng tài sản; tiếp đó là khối ngân hàng TMCP; thứ ba là khối ngân hàng liên doanh nước ngoài.

Tuy nhiên, tài sản của Ngân hàng Chính sách Xã hội giảm nhẹ 9 tỷ đồng, xuống còn 173.453 tỷ đồng; Ngân hàng Hợp tác giảm 163 tỷ đồng, còn 25.437 tỷ đồng.

 Tài sản của các ngân hàng vượt ngưỡng 9 triệu tỷ đồng

Tài sản của các ngân hàng vượt ngưỡng 9 triệu tỷ đồng

Trong tháng 6, vốn tự có của toàn hệ thống cũng tăng thêm 2.132 tỷ đồng lên 683.522 tỷ đồng. Còn so với cuối năm 2016, vốn tự có của toàn hệ thống tăng 43681 tỷ đồng (tương đương 6,86%).

Có được kết quả này chủ yếu do vốn tự có của khối ngân hàng TMCP tăng thêm 2.505 tỷ đồng lên 271.969 tỷ đồng; khối ngân hàng TM Nhà nước tăng 369 tỷ đồng lên 242.951 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh nước ngoài tăng 283 tỷ đồng lên 144.557 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong tháng vốn tự có của khối công ty tài chính – cho thuê giảm 1.025 tỷ đồng xuống còn 20.350 tỷ đồng. Vốn tự có của Ngân hàng Hợp tác xã vẫn duy trì ổn định ở 3.695 tỷ đồng.

Xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối ngân hàng TMCP vẫn đang dẫn đầu về vốn tự có; đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài đứng thứ ba.

Trong tháng vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng thêm 615 tỷ đồng lên 500.168 tỷ đồng.

Trong đó chủ yếu do vốn điều lệ của khối công ty tài chính – cho thuê tăng 447 tỷ đồng lên 19.652 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài tăng thêm 118 tỷ đồng lên 112.035 tỷ đồng; QTDND tăng 25 tỷ đồng lên 3.749 tỷ đồng; khối NHTM Nhà nước tăng 23 tỷ đồng lên 147.676 tỷ đồng. Các khối còn lại vốn điều lệ không thay đổi so với tháng trước.

Xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối NHTMCP cũng đang dẫn đầu về vốn điều lệ; đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước; kế đó là khối Ngân hàng liên doanh – nước ngoài.

Cùng với đó, hoạt động của hệ thống vẫn rất an toàn, thể hiện qua các chỉ số như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn đảm bảo theo yêu cầu của NHNN.

Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 6/2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống ở mức 12,55%, chỉ giảm nhẹ so với mức 12,66% tại thời điểm cuối tháng 5. Trong đó tỷ lệ này của tất cả các khối đều cao hơn nhiều so với quy định của NHNN là 9%.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, tài sản các ngân hàng tăng trong thời gian vừa qua có phần do các ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản theo nghị quyết mới.

Từ 1/1/2017 đến hết 15/8/2017, VAMC đã mua nợ của 11 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 15.751 tỷ đồng, giá mua nợ là 15.477 tỷ đồng, đạt 77,4% kế hoạch năm 2017. Như vậy, tính từ 2013 đến thời điểm 15/8/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.049 khoản nợ của 16.154 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 291.306 tỷ đồng, giá mua nợ là 261.401 tỷ đồng.

Ngoài ra, VAMC đã mua một khoản nợ theo giá thị trường với giá mua là 9,8 tỷ đồng.

Theo An Hạ (Dân Trí)