Kinh tế

Sự thật việc cây cam bị khoan lỗ, tiêm thuốc kích thích ở miền Tây

Nông dân giải thích việc tiêm nông dược vào cây cam

Không phun trên lá hoặc tưới vào rễ như hướng dẫn của nhà sản xuất, nông dân miền Tây chọn cách trị bệnh cho cây ăn trái bằng cách tiêm thuốc vào thân cây.

Hơn ba năm qua, nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã "sáng chế" ra cách trị bệnh và tăng sức đề kháng cho cây ăn trái bằng cách khoan lỗ vào thân cây để bơm thuốc, hóa chất. Cách làm này được nhà vườn hướng dẫn cho nhau, đang được nhiều người áp dụng trong những vườn cam, quýt ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long...

Tiêm kháng sinh cho cây

Từ khi tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hoàn thành, nối liền thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) với TP Cà Mau (Cà Mau), dọc theo hai bên đường này có rất nhiều người trồng cây ăn trái. Trong đó nhiều nhất là cam, quýt và bưởi, đã thay thế những vườn mía nhiều năm không mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. 

Theo hướng dẫn của chủ một cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), Zing.vn đến xã Tân Phước Hưng của huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) gặp nhiều nhà vườn trị bệnh cho cam, quýt bằng cách tiêm nông dược vào thân cây.

Ông Út Tiến, một trong những nông dân trồng cam ở xã Tân Phước Hưng, cho biết 2 năm trước vườn cây ăn trái của lão nông này bị vàng lá. Ông mua thuốc B1 và kháng sinh Tetracyclin pha vào nước lọc để bơm vào thân cây.

"Tiêm thuốc tây một thời gian tôi thấy không hiệu quả nên ra tiệm bán hạt giống ở thị xã Ngã Bảy mua mấy loại nông dược để pha với nhau. Người ta đưa cho vài thứ, giá khoảng 1,8 triệu đồng, mang về chích cho khoảng 300 cây cam", ông Tiến kể.

Theo Út Tiến, trước khi bơm thuốc, ông mua chiếc khoan điện, 300 ống tiêm loại to hơn ngón tay cái và ruột xe để cắt ra làm "tay bơm" thay thế sức người.

Gần nhà Út Tiến có ông Chín Tưng sử dụng phương pháp "vô nước biển" cho vườn quýt ba năm tuổi. Vợ ông Tưng kể gia đình vừa thu hoạch trên 5 tấn quýt cho vụ thứ hai và đã nhờ người cháu là thầy giáo tên Ngọc ở Cầu Trắng (xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) "vô nước biển" cho vườn cây ăn trái.

Sự thật việc cây cam bị khoan lỗ, tiêm thuốc kích thích ở miền Tây
Vợ ông Chín Tưng ở xã Tân Phước Hưng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) khẳng định việc tiêm chích vi lượng vào cây đã giúp vườn quýt của gia đình xanh tốt và say trái. Ảnh: Việt Tường.

Trò chuyện với phóng viên, thầy giáo Ngọc cho biết anh trị bệnh cho rất nhiều vườn cam, quýt trong vùng bằng phương pháp "tiêm chích". Khi có người cần, thầy giáo này vào tận vườn để "chẩn bệnh" xem cây ăn trái vàng lá vì lý do nào.

"Tôi phải xem cây bị bệnh, thối rể hay thiếu dinh dưỡng mà chọn thuốc để mua và tính giá. Phải dùng nhiều loại thuốc kết hợp lại mới tốt và đảm bảo hết bệnh. Tôi 'bao' cho khách, thỏa thuận giá cả rồi làm chừng nào đạt mới thu tiền. Thông thường khoảng hai tháng cây sẽ xanh, không còn vàng lá", thầy Ngọc chia sẻ và nói giá thuốc từ 6.000 - 8.000 đồng/mũi tiêm nvào thân cây cam.

Thấy nhà vườn lo ngại thuốc sẽ vào trái gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thầy Ngọc trấn an: "Nhà vườn tiêm thuốc thì trái cây được thương lái mua giá cao hơn, loại không dùng thuốc người ta chê. Thuốc nuôi cây 3 tháng là hết dư lượng rồi, còn nuôi trái thì 6 tháng không còn. Cái này là vi lượng kết hợp trị nấm thôi, không có gì độc đâu".

Cửa hàng nông dược "kê toa" cho nông dân

Tiệm bán hạt giống mà Út Tiến mua thuốc tiêm vào cây cam là cửa hàng nông dược gần cuối đường Mạc Đỉnh Chi, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Nghe khách hỏi mua thuốc "chích cây", chủ tiệm khoảng 50 tuổi dò xét một lúc rồi lắc đầu.

"Không có thuốc nào chích cho cam, quýt. Nông dân họ tự chế ra cách trị bệnh cho cây chứ ở đây chỉ bán thuốc dùng để phun xịt", chủ tiệm nông dược nói.

Sự thật việc cây cam bị khoan lỗ, tiêm thuốc kích thích ở miền Tây - 1
Các loại phân vi lượng và thuốc kích thích cây trồng mà phóng viên Zing.vn được cửa hàng nông dược bán để mang về chích cây. Những mặt hàng này nằm trong danh mục được thuốc phép sử dụng trên cây trồng. Ảnh: Việt Tường.

Chần chừ một lúc, phóng viên được mẹ của chủ tiệm đưa cho chai phân bón lá tạo kháng nội sinh, bảo vệ cây trồng. Đây là loại phân duy nhất của tiệm có thể dùng tiêm vào cây sầu riêng để trị bệnh xì mủ theo hướng dẫn ngoài bao bì.

Thấy khách chọn mua chai "siêu lân" giá 130.000 đồng, con trai chủ tiệm liền "kê toa" và hướng dẫn chích cây bằng cách pha chai trị bệnh xì mủ sầu riêng với lọ dung dịch khác giá 190.000 đồng, 1 gói vi lượng qua lá, 5 viên thuốc kích thích sinh trưởng và 10 gói Super Titan chứa kẽm. Nếu dùng theo "toa" này thì 6 lít nước để pha thuốc tiêm cho 300 cây cam nhà vườn tốn 1.670.000 đồng.

Theo anh Út Xuân ở xã Long Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng), không riêng gì nhà vườn Hậu Giang, người dân quê anh cũng áp dụng "công nghệ tiêm chích" cho cây ăn trái từ nhiều năm trước. Anh Trần Công Lũy ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) khẳng định đây là cách làm xuất hiện từ nhiều năm. Không ít nhà vườn ở xóm của anh Lũy chích nông dược cho những vườn cam, quýt già cổi hoặc rễ, lá không còn hấp thụ được phân qua đường phun, tưới.

Sự thật việc cây cam bị khoan lỗ, tiêm thuốc kích thích ở miền Tây - 2
Ông Lương Văn Kết ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) chỉ lỗ khoan để chích nông dược vào thân cây cam sau nhà. Ảnh: Việt Tường.

Chỉ ra vườn cam thưa trái và vàng lá sát vách nhà ở ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng), nông dân Lương Văn Kết nói: "Tôi thấy tiêm thuốc vào thân thì cây cũng phát triển được 1-2 năm rồi chết, không tốt bằng những cây bón phân vào gốc. Vườn cam sau nhà của tôi là minh chứng rõ nhất".

Ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cho biết nhà vườn ở đây chích nông dược cho cây ăn trái từ năm 2015. Ngành nông nghiệp Kế Sách đã có văn bản gửi các xã về việc không khuyến khích nhà vườn tiêm thuốc vào cây vì không kiểm soát được việc người dân sử dụng nông dược hay tân dược.

Những loại nông dược nhà vườn thường dùng pha trộn để tiêm vào thân cây là thuốc kích thích sinh trưởng Gibbe 20TB (GA3), thành phần chứa gibberellic acid; vi lượng qua lá fetrilon-combi, chứa magie oxit  (MgO), mangan (Mn), sắt (Fe), đồng (Cu), lưu huỳnh (S)...; super titan chứa kẽm dạng nano; dung dịch phân bón lá Arrow "siêu lân" cùng một số thuốc kích thích sinh trưởng khác.

Trong đó, GA3 được nhà sản xuất ghi công dụng là thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng mạnh nhất hiện nay. GA3 làm tăng chỉ số sinh khối trên thân, lá, hoa quả; tăng năng suất và chất lượng nông sản để đáp ưng nhu cầu suất khẩu. Thuốc này được đăng ký kích thích tăng trưởng trên thanh long, rau cải, không ghi dùng cho cam và thời gian cách ly 3 ngày.

Fetrilon - combi được nhà sản xuất ghi ngoài bao bì là hợp chất đầy đủ nguyên tố vi lượng cần thiết cho cây trồng, được hấp thụ nhanh. Hợp chất giúp ngăn ngừa các hiện tượng thiếu chất, giúp cây trồng phát triển toàn diện, ra hoa đồng loạt, ngừa rụng trái non. Thuốc này dùng phun hoặc tưới vào gốc từ sau thu hoạch cho đến lúc trái chín.

Super titan được hướng dẫn sử dụng cho cây trái có múi và nhãn, chôm chôm trong thời kỳ sinh trưởng và trước khi thu hoạch trái từ một tháng trở lên. Vi lượng này được nhà sản xuất cho là giúp cây trồng phát triển tốt, lá dày, rễ khỏe, trái to, năng suất cao. Còn phân bón lá Arrow "siêu lân" là loại đặc trị nấm Phytopthora, được chỉ định tiêm vào cây sầu riêng để trị bệnh xì mủ.

Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)