Kinh tế

Nguy cơ thiếu điện 2019 - 'Không để nước đến chân, đến cổ mới nhảy'

Sau yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đảm bảo cung cấp đủ điện đến 2025, EVN đứng trước áp lực lớn để duy trì an ninh năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt.

Tuần qua, vấn đề thiếu điện, thiếu than được dư luận đặt biệt quan tâm. Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng năm tới có thể thiếu điện, dẫn đết cắt điện luân phiên. Ngay cả Tập đoàn công nghiệp Than - Khoảng sản (TKV) cũng bị kéo vào câu chuyện, khi EVN cho rằng thiếu than ngay tại vùng mỏ, nơi đặt các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh - Hải Phòng.

Rất sốt ruột về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương, EVN không để đất nước thiếu điện từ nay đến năm 2025. “Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức”, ông nói.

'Không thể để thiếu điện'

Cắt điện không có căn cứ có thể bị xử lý hình sự - đó là một trong các quy định được nêu tại Bộ Luật hình sự, đủ cho thấy mức độ quan trọng của điện. Điện là đầu vào, động lực của hầu hết quá trình sản xuất kinh doanh, liên quan đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Ở Việt Nam, để tăng trưởng 1% GDP, riêng ngành điện phải tăng trưởng 1,5%.

Nếu để xảy ra thiếu điện, việc sản xuất kinh doanh sẽ đình trệ, đời sống sinh hoạt của người dân gặp không ít khó khăn, kinh tế có thể bị tăng trưởng chậm lại. Bài học thiếu năng lượng kéo giảm đà phát triển vào những năm 90 đã từng được ghi nhận

Sự sốt ruột của Thủ tướng với nguy cơ thiếu điện còn ở chỗ theo báo cáo của EVN, việc cắt điện do thiếu cung có thể từ ngay đầu năm 2019, dịp Tết nguyên đán.

Nguy cơ thiếu điện 2019 - 'Không để nước đến chân, đến cổ mới nhảy'
Thủ tướng yêu cầu EVN đảm bảo đủ điện từ nay đến 2025. Ảnh: LH.

Trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã nhiều lần viết thư cho lãnh đạo Bộ Công Thương, EVN về việc đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Theo báo cáo của EVN, nhu cầu điện của Việt Nam tăng đều đặn khoảng 10%/năm gây áp lực cho việc sản xuất cung ứng. Năm 2017, sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 175 tỷ kWh. Nếu so sánh với sản lương điện thương phẩm năm 1995 (14,6 tỷ kWh), thì sản lượng đã tăng 12 lần.

Điện thương phẩm bình quân đầu người của cả nước tăng từ 156 kWh/người/năm (năm 1995) lên 1.850 kWh/người/năm của năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ không để thiếu điện trong năm 2019.

Trao đổi với báo giới, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, cũng khẳng định năm 2019-2020 sẽ không thiếu điện. Tuy nhiên, vấn đề mà EVN lo lắng là nhu cầu điện tăng cao, tập đoàn phải vận hành các nguồn phát điện từ dầu và than, sẽ đắt hơn so với thủy điện.

Thiếu điện hay câu chuyện giá?

Theo ông Đinh Quang Tri, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khả năng “có thể” thiếu điện trong năm 2019 mà EVN đang lo ngại.

Nguyên nhân đầu tiên đến từ nguồn thủy điện đang suy giảm trong năm tới do hạn hán. Hiện nay một số hồ thủy điện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang gần mực nước chết, dù đang trong giai đoạn tích nước. Thủy điện, nguồn năng lượng giá rẻ, đang chiếm tỷ trọng khoảng 30% cơ cấu nguồn điện, năm 2018 dự kiến cung ứng khoảng 57-58 tỷ kWh. Năm 2017, nguồn thủy điện dồi dào đã phần nào bù lỗ cho EVN. Nhưng dự báo năm 2019, sản lượng thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh.

Lãnh đạo EVN cho biết nếu hụt thủy điện thì doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn điện khác để bù vào là năng lượng tái tạo, nhiệt điện than và nhiệt điện dầu. Nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối) lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khó tăng sản lượng đột biến. Hơn nữa nguồn này lại phân tán, nhỏ lẻ, khó kết nối. Do đó, EVN cho biết phần thiếu hụt sẽ phụ thuộc chủ yếu và điện than, nếu thiếu sẽ huy động thêm điện dầu.

Nguy cơ thiếu điện 2019 - 'Không để nước đến chân, đến cổ mới nhảy' - 1
Năm 2019, sản lượng thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh. Ảnh: Việt Hùng.

Dự báo năm tới, tổng lượng nhiệt điện than sẽ được huy động khoảng 116-120 tỷ kWh. Ông Tri cho rằng đây cũng là thách thức lớn đối với EVN khi tình hình cung ứng nhiên liệu than có những vấn đề nhất định.

Hiện tại EVN chỉ mua than của TKV và Tổng công ty than Đông Bắc để vận hành cho các nhà máy ở Quảng Ninh - Hải Phòng. Với các nhà máy nhiệt định than tại phía Nam thì phải nhập khẩu. Từ khi đưa vào vận hành Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3, mỗi năm phải nhập khẩu 7 triệu tấn than. Năm 2019 dự kiến phải nhập 10 triệu tấn than cho 2 nhà máy đó.

Dự kiến năm 2019 tổng nguồn than để dùng cho nhiệt điện là 54 triệu tấn, trong đó có 44 triệu tấn than trong nước nhập của TKV và Đông Bắc. Trong khi 2 đơn vị này chỉ cung ứng được khoảng 36 triệu tấn, vẫn thiếu 8 triệu tấn nữa. Để bù đắp lại, EVN sẽ tự nhập khẩu một nửa, phần còn lại TKV sẽ nhập và bán lại cho EVN.

Thách thức mà ông Tri nhấn mạnh đó là giá cả than đang biến động nhanh theo xu hướng tăng của thế giới. Từ 5/12, TKV sẽ tăng giá 5% với than bán cho EVN do đó sẽ gây ra áp lực làm tăng giá thành sản xuất điện.

Nếu thiếu hụt nữa, EVN sẽ phải huy động điện chạy dầu, nguồn điện này cũng còn có chi phí đắt hơn cả nhiệt điện chạy than. Do đó, gây áp lực rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của EVN.

'Không để nước đến chân, đến cổ mới nhảy'

Ông Đinh Quang Tri cho biết các nguồn điện đều có những ưu nhược điểm. Nếu như tiềm năng thủy điện của cả nước đã gần như khai thác hết, điện mặt trời và gió đóng góp tỷ trọng nhỏ thì nhiệt điện (than, dầu, khí) luôn đứng trước áp lực biến động của nguồn nhiên liệu.

Giải pháp căn cơ mà ông đưa ra là việc phát triển điện mặt trời áp mái tại từng hộ gia đình. Đặc biệt trong vài năm tới, không có công trình điện mới nào được đưa vào vận hành, áp lực đảm bảo đủ điện sau năm 2020 là rất lớn.

“Nếu mỗi hộ chỉ lắp pin mặt trời công suất khoảng 3 kW, với 3 triệu hộ, chỉ cần 1 triệu hộ lắp thì chúng ta đã có khoảng 3.000 MW điện”, ông nói.

Nguy cơ thiếu điện 2019 - 'Không để nước đến chân, đến cổ mới nhảy' - 2
Chuyên gia cho rằng EVN đang để tình trạng "nước đến chân mới nhảy" xảy ra. Ảnh: T. T.

Ông Tri cũng nhấn mạnh việc chủ động nguồn điện tại mỗi hộ gia đình sẽ giảm áp lực tiêu thụ tới toàn bộ hệ thống điện. Hộ gia đình chỉ phải mua thêm điện của EVN khi nhu cầu vượt công suất điện áp mái. Trong trường hợp nếu hộ gia đình không sử dụng hết có thể bán lại cho EVN. Ông Tri nhấn mạnh đây là một giải pháp căn cơ lâu dài mà EVN sẽ đề xuất Chính phủ triển khai mạnh mẽ.

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược TKV, thành viên Hiệp hội năng lượng Việt Nam, cho rằng EVN sẽ gặp rất nhiều áp lực và thách thức để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, đảm bảo đủ điện.

Ông nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ rất ít dự án trong quy hoạch sơ đồ điện được đưa vào vận hành do chậm tiện độ. Các dự án bị chậm chủ yếu thuộc về nhà tư nhân đầu tư thực hiện theo hình thức BOT, BOO, hoặc đối tác liên doanh với EVN.

Thế nên, EVN phải bắt tay ngay vào thực hiện các dự án điện, hoàn thành sơ đồ quy hoạch ngay. “Phải rút kinh nghiệm bài học nước đến chân, đến cổ rồi mới nhảy như bây giờ”, ông Sơn nói.

TS. Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng về căn cơ cả nền kinh tế sẽ phải sử dụng hiệu quả điện năng hơn và tiết kiệm điện. Ông đưa ra ví dụ, để tăng trưởng 1% GDP, riêng ngành điện phải tăng trưởng 1,5%. Ở các nước phát triển sử dụng năng lượng hiệu quả, để tăng trưởng 1% GDP, tăng trưởng ngành điện chỉ cần thấp hơn 1%.

“Thế mới thấy chúng ta tiêu hao và sử dụng năng lượng kém như thế nào. Tính theo một đơn vị sản phẩm chúng ta tiêu hao điện, than, dầu quá lớn. Cái này cần cải thiện thì mới giảm áp lực cho ngành điện, cũng tránh lãng phí không cần thiết”, ông nói.

TS. Sơn cũng không loại trừ giải pháp tăng giá điện để “trúng” đồng thời 2 mục đích. Ông cho biết giá điện Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Ấn Độ… trong khi thu nhập gần tương đương. Việc tăng giá điện sẽ giúp người dân sử dụng tiết kiện hơn, đồng thời cũng có nguồn lực để tái đầu tư cho các công trình điện.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)