Kinh tế

Singapore đầu tư hơn 8 tỷ USD vào Việt Nam

Các doanh nghiệp Singapore có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông lâm hải sản... và hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba với trên 1.600 dự án. 

Các doanh nghiệp Singapore có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông lâm hải sản... và hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba với trên 1.600 dự án. 

Theo ông Khương, Việt Nam - Singapore có quan hệ đối tác chiến lược, tạo nền tảng 2 quốc gia, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tham gia vào kinh tế toàn cầu. Singapore có mặt hầu hết ở các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông lâm hải sản, đặc biệt tập trung nhiều trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh bất động sản.

singapore-dau-tu-hon-8-ty-usd-vao-viet-nam

Ông Đoàn Duy Khương tại diễn đàn ngày 20/7. Ảnh: Phương Đông.

Nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam hoạt động khá hiệu quả, điển hình là Công ty liên doanh Khu công nghiệpViệt Nam - Singapore (VSIP). Tính đến tháng 6/2016, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, nếu tính luỹ kế đến nay nguồn vốn đầu tư dự kiến của nước này đạt 37,9 tỷ USD với trên 1.600 dự án khác nhau.

Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam - Singapore luôn đạt tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hiện, Singapore là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Xét ở khu vực ASEAN, Singapore lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất sang Singapore kim ngạch hàng hóa hơn một tỷ USD và nhập khẩu 2,57 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất chủ yếu là dầu thô, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị; và nhập về các loại xăng dầu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dầu mỏ, chất dẻo nguyên liệu, máy móc…

Bà Leow Siu Lin, Tổng lãnh sự Singapore tại TP HCM chia sẻ thêm, các doanh nghiệp nước này luôn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với dân số trẻ, có kỹ năng lao động, thị trường lớn trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến hết tháng 6/2016, các doanh nghiệp Singapore đã đầu tư hơn 9 tỷ USD với 847 dự án chỉ riêng tại TP HCM, tập trung trong các lĩnh vực như: logistic, dịch vụ, bất động sản...

"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam đều có lợi nhuận. Bảy khu công nghiệp VSIP thu hút trên 8 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 155.000 lao động. Các doanh nghiệp Singapore luôn đầu tư các dự án lâu dài và bền vững ở Việt Nam", bà nhấn mạnh.

singapore-dau-tu-hon-8-ty-usd-vao-viet-nam-1

Bà Leow Siu Lin, Tổng lãnh sự Singapore tại TP HCM. Ảnh: Phương Đông. 

Ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng cho biết, đến nay Việt Nam thu hút trên 300 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân được 147 tỷ USD tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và các quốc gia vùng Đông Bắc Á. Riêng với Singapore, hết tháng 6 có hơn 1.600 dự án, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung chủ yếu vào công nghiệp, chế biến chế tạo…

Theo ông Quang, giữa Việt Nam và Singapore còn rất nhiều dư địa để hai nước xúc tiến hợp tác trong thời gian tới, trong đó Singapore có thế mạnh về vốn còn Việt Nam thì lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực... Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp chế biến..., có hẳn một Nghị định riêng về mô hình hợp tác công tư PPP nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Ông Quang cho rằng, 6 tháng qua GDP của Việt Nam tăng trưởng có sự chững lại do sụt giảm của sản xuất công nghiệp (nhất là khai khoáng). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những khởi sắc đáng khích lệ khi có 54.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% về số lượng và 51% về vốn so với cùng kỳ 2015. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng đạt 14.900 doanh nghiệp, tăng 2,2% so với cùng kỳ.

Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì 6 tháng qua có vốn đầu tư tăng gấp đôi, vốn giải ngân đạt 7,25 tỷ USD tăng mạnh so với cùng kỳ 2015, khả năng vốn giải ngân 2016 sẽ đạt 15-16 tỷ USD. Đây là con số cao nhất suốt 30 năm qua (những năm trước đây chỉ đạt 12 tỷ USD). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 20% vào GDP và 75% vào xuất khẩu, góp phần chuyển dịch công nghiệp hoá hiện đại hoá của Việt Nam.
 

Theo Lệ Chi - Phương Đông (VnExpress.net)