Kinh tế

"Siêu bộ” sẽ quản lý các doanh nghiệp nhà nước ra sao?

Sau thời gian dài “thai nghén”, Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa công bố dự thảo nghị định thành lập ủy ban chuyên quản lý các doanh nghiệp nhà nước, thay vì để tại các bộ ngành, địa phương như hiện nay.

 

Sau thời gian dài “thai nghén”, Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa công bố dự thảo nghị định thành lập ủy ban chuyên quản lý các doanh nghiệp nhà nước, thay vì để tại các bộ ngành, địa phương như hiện nay.

Hàng loạt tập đoàn lớn, trong đó có Petrolimex, tới đây sẽ được quản lý bởi một “siêu bộ” - Ảnh: N.KHÁNH

Dự kiến “siêu bộ” này sẽ quản lý tới 30 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất nước, như tập đoàn dầu khí, điện lực, dệt may, xăng dầu, bưu chính viễn thông, cao su...

Thay đổi để tăng hiệu quả

Dự thảo tờ trình của Bộ KH-ĐT nêu rõ: các bộ ngành hiện đang thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp (DN), nhưng lại không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của DN.

Do đó, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư, cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN rất thấp.

“Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN thời gian qua”, tờ trình nêu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đức Trung - trưởng ban nghiên cứu phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM - đơn vị được giao trực tiếp soạn thảo nghị định) - cũng cho biết việc sử dụng bộ máy hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập.

“Kinh nghiệm cho thấy công cụ quản lý hành chính không phù hợp với việc quản lý đầu tư, kinh doanh”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, ủy ban này sẽ giúp tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý việc sản xuất kinh doanh, giúp tăng tính khách quan trong việc hoạch định chính sách của các bộ ngành, với mục đích là gia tăng hiệu quả sử dụng, đầu tư vốn nhà nước ở các DN nhà nước.

Ủy ban này sẽ là cơ quan trực thuộc trực tiếp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ để quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các DN.

Dự thảo nghị định của Bộ KH-ĐT cũng nêu hàng loạt quyền hạn, chức năng của ủy ban này như được quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, quyết tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của lãnh đạo các DN; được quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn đầu tư của Nhà nước tại các DN...

Đặc biệt, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng sẽ trực thuộc ủy ban này, với nhiệm vụ chủ yếu là đầu tư tài chính.

Có đủ năng lực quản lý các “ông lớn”?

Theo kế hoạch, Bộ KH-ĐT sẽ đưa dự thảo ra lấy ý kiến người dân, các DN, tập đoàn kinh tế cũng như các bộ ngành trong 30 ngày và dự kiến sẽ trình Chính phủ để xem xét thông qua ngay trong quý 3-2016.

Ông Phạm Đức Trung cho biết bước đầu ủy ban này được giao quản lý 30 tập đoàn và tổng công ty, nhưng đây đều là những DN, chiếm tới khoảng 80% vốn nhà nước tại các DN nhà nước, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho rằng “hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu”. Việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước hiện chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực... Và theo ông Trung, nếu ủy ban này được thành lập, chắc chắn trách nhiệm trong hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN nhà nước sẽ rõ hơn.

Trả lời câu hỏi liệu “siêu bộ” này có đủ năng lực quản lý các “ông lớn” trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, ông Trung cho biết ban soạn thảo nghị định đã thảo luận và tính toán kỹ. Theo đó, sẽ có các cơ chế, chính sách về tiền lương để thu hút được đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi về quản lý DN về ủy ban. Ngoài ra, các cán bộ từ chính các bộ ngành đang quản lý DN cũng sẽ được xem xét đưa về ủy ban.

Liệu các bộ ngành có phản đối do bị đụng đến “nồi cơm”? Ông Trung cho rằng nghị định được soạn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và nghị quyết Đại hội Đảng về chủ trương “sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DN nhà nước”. “Vì lợi ích chung, sẽ có sự đồng thuận” - ông Trung nói.

Theo dự thảo nghị định, thay vì chủ quản các DN, các bộ ngành sẽ chuyển sang giám sát, thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với các DN nhà nước và sẽ chỉ quản lý các DN cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích.


Theo C.V.Kình - Trung Hà (Tuổi Trẻ)