Kinh tế

Siết chặt xe công, vẫn chi hơn 1.000 tỷ mua ô tô mới

Số xe ô tô công tính đến hết năm 2017 là 39,4 nghìn chiếc, tăng hơn 2.000 chiếc so với năm 2016. Trong đó số xe ô tô công đã sử dụng trên 15 năm (quá thời gian tính hao mòn) là 12.862 chiếc, chiếm 32,62% tổng quỹ xe công.

Chi nghìn tỷ mua mới trên 1.000 xe công

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2017, số xe ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là hơn 2,6 nghìn chiếc với tổng nguyên giá hơn 2,2 nghìn tỷ đồng.

Trong tổng số hơn 2,6 nghìn xe ô tô công tăng của năm 2017 thì có 1.523 xe tăng do tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng nguyên giá là 1,2 nghìn tỷ đồng; mua mới là 1.081 xe với tổng nguyên giá là hơn 1 nghìn tỷ đồng (trong đó: xe phục vụ chức danh 22 xe; xe phục vụ công tác chung 366 xe; xe chuyên dùng 693 xe).

Số xe ô tô công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.370 chiếc với tổng nguyên giá 1,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương giảm 401 chiếc với tổng nguyên giá 234 tỷ đồng; khối Địa phương giảm 1.969 chiếc với tổng nguyên giá 905 tỷ đồng.

Tổng số xe ô tô công hiện có 39.425 chiếc với tổng nguyên giá 25,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước).

Tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán 8,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,71% tổng nguyên giá. Điều này cho thấy phần lớn xe ô tô công đã sử dụng trên 2/3 thời gian theo chế độ quy định.

Siết chặt xe công, vẫn chi hơn 1.000 tỷ mua ô tô mới
Năm 2017, số xe ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là hơn 2,6 nghìn chiếc với tổng nguyên giá hơn 2,2 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, đến thời điểm báo cáo, số xe ô tô công đã sử dụng trên 15 năm (quá thời gian tính hao mòn) là 12.862 chiếc, chiếm 32.62% tổng quỹ xe công.

“Điều này cho thấy phần lớn xe ô tô công đã sử dụng trên 2/3 thời gian theo chế độ quy định”, báo cáo của Chính phủ cho hay.

Khoán ô tô công, tiết kiệm tiền tỷ

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh đến kết quả của việc triển khai Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, sắp xếp lại và xử lý xe ô tô dôi dư.

Trong năm 2017, thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg, Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính sách khoán xe công đã được nhân rộng và được triển khai thí điểm tại một số Bộ, ngành, địa phương bước đầu có kết quả như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng....

Theo báo cáo, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính; tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công; tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông.

Siết chặt xe công, vẫn chi hơn 1.000 tỷ mua ô tô mới - 1
Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe công...

Đơn cử như tại Hà Nội, từ tháng 2/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 1215/QĐ-UBND áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại 08 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.

Tổng số chi phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 của Hà Nội là 2,4 tỷ đồng; Tổng số chi phí thực tế sử dụng 44 xe trong 6 tháng cùng kỳ năm 2016 tại các cơ quan, đơn vị là 4,2 tỷ đồng. Như vậy, khi thực hiện khoán xe ô tô phục vụ công tác chung thì chi phí khoán tiết kiệm hơn so với chi phí thực tế sử dụng xe cùng kỳ. Tổng số chi phí tiết kiệm được là 1,7 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa trung bình một xe tiết kiệm được 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng, ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô để áp dụng thí điểm từ tháng 5/2018 đối với 5 đơn vị của thành phố (Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tài chính, Ban quản lý An toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh và UBND huyện Bình Chánh).

Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác, không áp dụng với việc đưa đón mỗi ngày từ nơi ở đến nơi làm việc. Đối tượng áp dụng đề án là các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm) đủ tiêu chuẩn sử dụng ô tô công để đưa đón đi công tác gồm: Chánh và Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài chính; Trưởng Ban An toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh và Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh.

Theo tính toán của Thành phố Hồ Chí Minh, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1,2 tỷ đồng/năm (cho 5 đơn vị thực hiện thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu.

Báo cáo cũng đề cập đến vấn đề nhận xe do doanh nghiệp biếu, tặng ở một số tỉnh thành. Báo cáo cho hay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý và yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng xe ô tô biếu, tặng không đúng quy định”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)