Kinh tế

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu'

Lịch lãm và dễ gần - ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT tập đoàn Cen Group, gây thiện cảm với người đối diện bằng cách nói chuyện cởi mở, nụ cười thường trực và sự tự tin. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo lợi thế của người làm môi giới là có thể phá vỡ sự căng thẳng, làm tan băng những cuộc đàm phán tưởng đi vào bế tắc. 

Không nhận mình tài hoa, nhưng Shark Hưng "cái gì cũng biết một ít" với tinh thần "mọi người làm được thì mình cũng làm được thôi". 

Ông cũng thành thật "thú nhận mình không giỏi lắm về điều hành, không chi tiết, sâu sát trong việc triển khai công việc cụ thể". Tuy nhiên, thế mạnh của ông là đánh giá mô hình kinh doanh ở tầm chiến lược. Vì thế, tại các kỳ Shark Tank, người ta thường thấy ông góp ý về định vị sản phẩm, về chiến lược... cho các startup ngay khi họ giới thiệu dự án.  

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu'

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 1

- Có vẻ cái tên Shark Hưng và Cen Group được nhiều người biết đến sau chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ. Cơ duyên nào đưa ông đến với chương trình?

- Tôi biết đến chương trình này khá lâu trước đó, cũng đã xem các phiên bản của Mỹ, Anh, Australia. Tôi đã biết đến nó từ trước đó và cảm thấy format rất thú vị.

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 2

Và tôi cũng là thành viên của Hiệp hội doanh nhân trẻ Việt Nam, trong đó có Shark Vương (ông Trần Anh Vương - Tổng giám đốc CTCP SAM Holdings) là thành viên. Anh ấy mời tôi tham gia chương trình này khoảng 2 năm trước, khi chương trình còn thai nghén, đang đàm phán mua bản quyền.

Quá trình chuẩn bị cũng kéo dài, dường như khiến tôi quên việc đó đi. Trước khi ghi hình khoảng 2 tháng, nhà sản xuất có gặp tôi và trao đổi về nội dung, tôi đã nhận lời ngay lập tức. 

- Khi tham gia chương trình, nhiều người thắc mắc các khoản đầu tư là của ông hay của công ty ông đang làm việc?

- Theo điều lệ của chương trình, không phân biệt tiền của cá nhân hay tiền của công ty. Trách nhiệm của mỗi shark khi tuyên bố đầu tư thì phải thực hiện. Tuy nhiên, khi thực hiện có thể chia sẻ cơ hội đầu tư đó cho những nhà đầu tư khác, có thể là cá nhân hoặc công ty.

Về cá nhân tôi, khoản đầu tư với danh nghĩa của Cen Group Holding, công ty mẹ của các công ty trong tập đoàn.

-  Nhìn vào 4 thương vụ mà ông quyết định rót vốn, người ta thấy không gắn với hệ sinh thái của Cen Group. Và cũng phải đến tập thứ 10 ông mới xuất tiền. Ông có thể lý giải sự lựa chọn về 4 dự án đó không?

- Một điều rất đáng tiếc là trong chương trình có những dự án liên quan đến hệ sinh thái của Cen Group, tôi đã rất cố gắng đàm phán, nhưng không đi được đến kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, theo quy định của chương trình, mỗi shark phải cam kết đầu tư một số tiền nhất định, nên ngay cả không chọn được dự án nào ưng ý, mình vẫn phải quyết định đầu tư. Điều đó giống như so bó đũa, chọn cột cờ, tôi đành phải chọn những dự án tương đối khả thi.

Còn nói là không liên quan thì cũng không đúng lắm, vì các dự án không liên quan đến bất động sản, hoặc ngành nghề trong hệ sinh thái của Cen Group mà tôi mong đợi nhưng đều là các ứng dụng có yếu tố công nghệ - điều tôi quan tâm.

Tôi hy vọng mùa 2 có nhiều ý tưởng tốt hơn, đột phá hơn cả về mặt công nghệ và ý tưởng kinh doanh. Mùa đầu tiên có 500 hồ sơ, mùa này mới mở ra đã có trên 1.000 hồ sơ. Tôi tin mùa năm nay còn nhiều hồ sơ hấp dẫn hơn nữa.

Sau mùa thứ nhất phát sóng, công ty chúng tôi cũng sẽ gia tăng ngân sách dự kiến cho việc đầu tư vào các startup, dự kiến vốn có thể tăng gấp hàng chục lần.

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 3

- Nói như vậy nghĩa là các thương vụ được ông lựa chọn đều là do bắt buộc mà quyết?

- Có thể nói như vậy. Các quyết định đầu tư ở mùa thứ nhất khiến tôi không hài lòng lắm. Có những dự án tôi rất thích thú thì lại không gặp được nhau. Có thể vì các bạn ấy cảm thấy áp lực, chưa nhìn thấy cơ hội khi hợp tác với Cen Group. Đó là lựa chọn của các bạn ấy thôi. Về lời đề nghị của tôi, đáng tiếc là các bạn không thấy được cơ hội trong tương lai.

- Tôi nhớ trong chương trình ông có một câu nói nổi tiếng là “các shark không có gì ngoài tiền”. Ông có thể chia sẻ thêm một chút về tuyên bố này? Các shark có thể mang gì đến cho các startup, ngoài tiền?

- Đó chỉ là một câu nói đùa, tôi không ngờ các bạn khi biên tập lại trích nguyên lên khi không có trong một bối cảnh, dễ gây hiểu nhầm. 

Điều tôi muốn nói ở đây là, tiền là điều mà các shark không thiếu, để đàm phán thành công với các shark còn có nhiều yếu tố khác. Tôi mong muốn các startup thấy được tiềm năng khi các shark nhúng tay vào. Kiến thức, kinh nghiệm trong quản trị là những điều mà các bạn startup nên đánh giá, chứ không phải hoàn toàn chỉ là tiền từ các shark. 

Tôi đã nói với một startup nếu các bạn ấy kéo được 3 shark tham gia vào thì chả phải làm gì đã có doanh số rồi, bởi cộng đồng, dữ liệu khách hàng của các shark ngồi trong chương trình rất khủng khiếp.

Cho nên là các bạn nói quay đi quay lại các yếu tố về con số, tôi đã nói đùa là các shark chả có gì ngoài tiền. Các bạn đừng mang tiền ra mặc cả với các shark. Với các startup, các shark quan tâm đến ý tưởng, con người, mô hình kinh doanh. Những yếu tố về tiền, các shark không quá quan tâm, nó còn cả giai đoạn tiếp theo sau khi ghi hình, trong đó có thẩm định thực tế.

- Mỗi shark có một khẩu vị riêng. Với ông, yếu tố nào được dùng làm căn cứ để ra các quyết định rót vốn?

- Format không cho chúng tôi được tiếp cận trước về hồ sơ, người chơi. Thậm chí là các shark phải đoán mò với nhau xem dự án tiếp theo về cái gì. Chúng tôi cũng không được dùng máy tính, điện thoại di động, không được tra thông tin. Chúng tôi chỉ có một thời gian rất ngắn trước khi ra quyết định.

Vì thế, mỗi shark sẽ có sự chuẩn bị cho mình, hình dung và đưa ra khẩu vị đầu tư: ý tưởng ở lĩnh vực này, con người có tố chất kia... Nếu startup phù hợp khẩu vị xuất hiện, thì cuộc đàm phán rất dễ thành công. Những ý tưởng không nằm trong tư duy ban đầu của các shark thì dự án đó phải rất đặc biệt, tiềm năng, người trình bày phải rất có kỹ thuật, mới có cơ hôi. 

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 4

Tôi thấy nhiều bạn nghiên cứu profile của các shark, khẩu vị đầu tư, shark đang làm gì, công ty đang làm gì, học hành ở đâu ra, lịch sử lập nghiệp như thế nào. Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của các startup như thế. Tuy nhiên, nó chỉ làm cho sự tiếp cận ban đầu của 2 bên dễ gây thiện cảm, dễ gần gũi với nhau.

Cá nhân tôi đánh giá cao ý tưởng, mô hình kinh doanh, khả năng mở rộng, thị trường tiềm năng của nó đến mức độ thế nào.

Nếu sản xuất ra cái gì đó phục vụ rất ít người, theo nhu cầu hạn hẹp thì sẽ khó khăn. Mô hình phải có hàm lượng công nghệ cao, khả năng mở rộng, lan tỏa, phá vỡ được các rào cản về quy mô, khi mở rộng không phải đầu tư quá nhiều về nhân sự, vượt qua được khoảng cách địa lý, về không gian, thời gian…

- Qua mùa đầu tiên, cảm nhận thế nào về các startup Việt và những gì họ mang đến chương trình?

- Theo tôi đánh giá, yếu tố sáng tạo, đột phá, mới hoàn toàn trong các dự án chưa nhiều. Chủ yếu các bạn mới đang lập nghiệp hơn là khởi nghiệp, tức là các bạn làm lại mô hình kinh doanh mà rất nhiều người làm rồi, các bạn ấy có một chút gì đó đổi mới nhưng về cơ bản vẫn dựa trên một nền tảng cũ, rất khó thuyết phục được các shark đầu tư.

Sau mùa đầu tiên, tôi và các shark cũng nhận được rất nhiều email, hồ sơ, đề nghị từ khắp các nơi trên thế giới. Nhiều bạn gửi tâm thư, ý tưởng, hồ sơ, đề nghị được tư vấn, tương tác… tôi nghĩ rằng mùa thứ 2 sẽ thực sự bùng nổ.

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 5

- Khi tiếp xúc với startup, câu hỏi thường gặp nhất với ông là gì?

- Các bạn thường hỏi làm thế nào để chọn được đối tác tốt. Tôi có trả lời là giống như chọn một đôi giày, giày phải có một đôi, một chiếc trái, một chiếc phải, không thể cùng trái, hoặc cùng phải. Chọn đối tác không thể giống hệt nhau, nhưng phải hợp với nhau, khớp với nhau, cùng cỡ, cùng thương hiệu…

Đối tác cũng phải cùng tầm nhìn, tư duy, đẳng cấp, cùng mục đích, nhưng phải khác nhau về tố chất, tư duy, năng lực của mỗi người. Khi kết hợp với nhau mới là sự cần thiết, là sự bù đắp, thiếu cái này lại không ổn, chập vào nhau thì lại không gây là xung đột, thừa.

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 6

- Như ông chia sẻ, một thương vụ không chỉ có yếu tố tiền bạc, mà còn là tìm người đồng hành, đối tác. Từ trải nghiệm ở chương trình, ông sẽ chọn ai trong số các shark để làm đối tác?

- Tôi sẽ chọn Shark Linh. Tôi nghĩ Shark Linh là người rất thú vị, rất thẳng thắn, kiến thức và trải nghiệm đều phong phú. Tính cách rất thẳng thắn, rất giống người Mỹ. Cách suy nghĩ, nói và hành động ngay, rất rành mạch, dứt điểm. Trong cuộc sống, Shark Linh cũng cho tôi những lời khuyên rất giản dị, nhưng cũng rất thực tiễn.

Ví dụ như về việc có rất nhiều người trên mạng xã hội tương tác, có khen, có chê, có những lời không dễ nghe chút nào, tôi có chia sẻ điều đó với Shark Linh. Cô ấy nói là thời gian của chúng ta là dành cho chúng ta, thời gian của họ là của họ, họ dùng vào việc gì là việc của họ, mình dùng thời gian của mình vào việc gì là quyền của chúng ta. Nên dành thời gian cho những người thân, người xung quanh chúng ta, hơn là bận lòng với những người lạ, chúng ta chả biết họ là ai.

Tôi ủng hộ quan điểm đó, điều mà khiến chúng ta tìm cách thỏa mãn mọi người mới là vấn đề của chúng ta, còn họ nói trong lúc nào đó, cũng chỉ là cảm xúc cá nhân của họ, chúng ta không phải coi đó là điều cần phải giải quyết.

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 7

- Ấn tượng của ông về Shark Vương, Shark Khoa và Shark Phú thì sao?

- Mỗi shark đều có một tính cách rất hay. Thực tế tôi và Shark Vương có biết nhau từ trước trong Hội doanh nhân trẻ, chúng tôi cũng là bạn bè đồng niên, học cùng một thế hệ. Chúng tôi cũng có sự bông đùa thân thiết ở góc độ bạn bè.

Còn Khoa là người startup trẻ và rất thành công, có tư duy về kinh doanh, giỏi về marketing, cảm được thị hiếu của khách hàng.

Shark Phú là người thầm lặng, chắc chắn. Thực ra tôi thấy Shark Phú để làm đối tác cũng rất là tốt, nhưng dường như anh ấy có vẻ không thích có một đối tác đồng hành, chỉ cần đối tác thương vụ.

Anh ấy có vẻ không tin vào một đối tác đồng hành, nếu có đồng hành cũng là phân vai. Anh ấy chắc chắn, suy nghĩ thấu đáo, có khả năng quản trị, tầm quy mô lớn rất tốt.

- Còn Shark Hưng thì có điểm mạnh nào nổi trội để các startup muốn đồng hành cùng ông?

- Tôi nghĩ mình có năng lực đánh giá các mô hình kinh doanh ở tầm chiến lược. Trong các công ty tôi từng làm việc và hiện nay, tôi phụ trách vị trí này. Tôi thú nhận không giỏi lắm về điều hành, không chi tiết, sâu sát trong triển khai công việc cụ thể.

Tuy nhiên tôi có thể đánh giá mô hình kinh doanh rất tốt, xem nó có thành công hay không như chiến lược thị trường, sản phẩm, tài chính như thế nào… 

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 8

- Làm cho Ford, Toyota, rồi về Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trước khi ra làm riêng, có vẻ ông khởi nghiệp khá muộn? Nếu có lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp, ông nói gì?

- Tôi khởi nghiệp năm 30 tuổi, khi không còn trẻ nữa.

Khi làm ở Bộ KH&CN, tôi chuyên về tư vấn và chuyển giao công nghệ quản lý từ nước ngoài để ứng dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó tôi tiếp cận được nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, tiếp xúc các chuyên gia đến từ các nước phát triển. Đó là thời gian thú vị, giúp tôi tích lũy nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh, vi mô và vĩ mô. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp cho chính tôi, không phải dễ dàng mà thành công ngay từ ban đầu.

Chia sẻ với các bạn trẻ về khởi nghiệp, tôi thường nhấn mạnh các bạn cứ làm đi, trải nghiệm thực tế lớn hơn tất cả các thứ khác. Quan trọng nhất là hành động. Nghĩ thì rất nhiều người nghĩ, chỉ một số người nói ra, nhưng hành động thì lại vô cùng ít, huống hồ hành động để thành công được càng ít hơn.

Gần như ngày nào tôi cũng nhận được rất nhiều email, tin nhắn, hỏi làm thế nào để khởi nghiệp thành công, tôi chỉ trả lời là phải làm thôi. Các bạn cần phải làm, phải có trách nhiệm với chính bản thân của mình, sống chết với quyết định của mình thì mới thành công được.

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 9

- Đã bao giờ ông vấp ngã? Và ông học được gì từ những vấp ngã ấy?

- Tôi vấp ngã nhiều, ngay cả trong lĩnh vực bất động sản. Tôi đã đầu tư bất động sản từ khá lâu, việc đánh giá phân tích thị trường, lựa chọn quyết định đầu tư đã có những đớn đau. Khi đầu tư mới biết quyết định sẽ khó khăn đến mức nào, trong khi ngoài nhìn vào hoặc nhìn lại thì thấy đơn giản.

Tôi đã từng mở ra công ty rồi phải đóng lại, tôi từng đầu tư bất động sản, dùng đòn bẩy ngân hàng, rồi sau đó là trắng tay, tiền trả lãi nuốt luôn cả vốn gốc của mình.

Các nhà phân tích thì thường biết phải làm sao, nhưng chỉ có doanh nhân thì biết phải làm như thế nào. Đó là điều mà tôi học được thông qua sự vấp ngã của mình.

- Môi giới trong mắt nhiều người được xem là nghề hấp dẫn, dễ ăn nhưng lại thiếu chuyên nghiệp, khi chị bán trà đá, anh chạy xe ôm cũng có thể tham gia. Cá nhân ông đánh giá thế nào?

- Nghề môi giới bất động sản tạo cho anh em làm ở lĩnh vực này một bản lĩnh rất cao vì đây là một lĩnh vực khó. Nếu thành công trong lĩnh vực môi giới bất động sản, bạn sẽ thành công ở nhiều lĩnh vực môi giới khác, bởi thuyết phục được người ta mua được một sản phẩm lớn, mang tính đời người như nhà ở, thì có thể thuyết phục người ta bỏ tiền ra mua những quyết định dễ dàng hơn như một cái ôtô, gói bảo hiểm, gói khám chữa bệnh, gói đầu tư rủi ro không khó nữa.

Người ta lao vào lĩnh vực này nhiều bởi hoa hồng hấp dẫn, choáng ngợp với nhau về thu nhập tiềm năng không giới hạn. Nếu bạn bán được một biệt thự triệu USD, bạn có ngay vài chục nghìn USD tiền hoa hồng, điều đó không phải ai cũng làm được.

Lĩnh vực môi giới bất động sản cũng làm cho cá nhân tôi học được rất nhiều từ những thương vụ đầu tư, từ chính khách hàng của mình. Điều đó làm cho sự nhanh nhạy, phán đoán trong chương trình Shark Tank cũng như các quyết định khác ngoài chương trình được phát triển lên rất cao.

- Hiện tại có nhiều bạn trẻ chạy theo công việc môi giới bất động sản để mong sớm đổi đời, kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí là “cắt máu dự án”. Ông có suy nghĩ gì về điều này không?

- Nói đúng hơn, nghề môi giới dễ gia nhập thị trường hơn cả bởi không cần tiền, không cần gì nhiều lắm, nhưng để thành công thì không dễ.

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 10

Ví như tại công ty chúng tôi, suốt 5 năm gần đây, để duy trì được khoảng 2.000 người thì chúng tôi đã phải đào thải 7.000-8.000 người. Tức là tỷ lệ thành công không cao.

Tất nhiên có bạn chuyển sang công ty khác nhưng số lượng bỏ nghề cũng rất lớn. Đó là nguyên tắc, cái gì dễ làm được cũng rất dễ ra đi, ở lại được thì rất khó.

Có nhiều bạn thấy nghề môi giới hấp dẫn bởi nhìn thấy cơ hội thành công, nhưng không nhìn thấy những người không thành công. Các sàn đều tuyển người rất dễ, nhưng sau khoảng 2-3 tháng có được khách hàng hay chưa, sống bằng nghề hay không, chốt được thương vụ thành công hay chưa. Nếu không sẽ rất nhanh chóng chán nản.

Nếu có những thành công ban đầu, sẽ nuôi dưỡng được đam mê của bạn. Nếu đam mê mà không thành công, đam mê chỉ được nuôi dưỡng trong một khoảng thời gian thôi, hoặc bài toán cơm áo gạo tiền cũng sẽ giết chết đam mê.

Trong nghề môi giới cần rất nhiều kiến thức tổng hợp, không chỉ có kiến thức về bất động sản, về pháp lý, thiết kế, quy hoạch, thậm chí là tâm linh… Ngoài ra còn hành vi ứng xử, giao tiếp, gọi điện thoại, gửi email, biết về dòng tiền đầu tư… Môi giới thường rất lịch lãm, tôi nói vui là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, có thể phá vỡ, làm tan băng những cuộc đàm phán tưởng như đi vào bế tắc…

Có thể nói ra câu chuyện thời trang, thể thao, chính trị, thậm chí là thời tiết… mục đích nhằm tạo mối quan hệ. Đặc biệt với người châu Á, cần tạo quan hệ sau đó mới nói chuyện tiền tỷ, tiền triệu USD sẽ dễ dàng hơn. Chúng ta cần tạo ra sự tin cậy từ giao tiếp thông thường, đó là nghề môi giới.

- Nhiều người nói ông rất tài hoa, có nhiều tài lẻ?

- Thực ra tôi chỉ biết thôi chứ không tài hoa gì lắm. Không phải do tôi đam mê mà tôi nghĩ mọi người làm được thì mình cũng làm được. Đàn thì học được từ thời sinh viên, thể thao thì chơi được rất nhiều môn như cầu lông, bóng bàn, golf, tennis rồi nấu ăn, pha cocktail...Thời đại này, mọi thứ đều sẵn trên Internet, nên rất dễ nghiên cứu. Tôi thích tìm hiểu, thích khám phá và thử làm xem mình có làm được không. Tôi chỉ dừng lại ở biết, không có gì xuất sắc, không như Shark Vương có thể chơi đàn và hát gần như chuyên nghiệp (cười).

Shark Hưng: 'Tôi thú nhận không giỏi điều hành đâu' - 11

Theo Phương Loan - Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)