Kinh tế

Sẽ không thu phí sử dụng túi ni lông

Dư luận thời gian qua xôn xao về việc, sẽ thu phí sử dụng túi ni lông (túi bóng) đối với người tiêu dùng. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) để làm rõ vấn đề này.

Dư luận thời gian qua xôn xao về việc, sẽ thu phí sử dụng túi ni lông (túi bóng) đối với người tiêu dùng. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) để làm rõ vấn đề này.

TS Hoàng Dương Tùng. (Đình Thắng)

Thưa ông, vừa qua có một số đề xuất cho rằng để hạn chế sản xuất túi ni lông cũng như thay đổi nhận thức người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước cần thu phí đối với người sử dụng túi ni lông?

Một trong những công cụ để hạn chế sản xuất túi ni lông nhỏ cũng như hạn chế sử dụng túi ni lông nhỏ đó là đánh thuế các cơ sở sản xuất, việc đánh thuế các cơ sở sản xuất đã được thực hiện từ nhiều năm trước, cụ thể thu thuế 40.000 đồng/kg túi ni lông nhỏ (tương đương với giá bán hiện tại). Với việc thu thuế như thế thì giá bán của các cơ sở sản xuất sẽ tăng gấp đôi. Đồng thời với đó là việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường mở rộng quy mô và hạ giá thành để người tiêu dùng sẽ sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường.

Còn đối với người tiêu dùng, chúng ta không thể thu phí vì trong sản phẩm họ mua họ đã phải trả thuế rồi. Nhưng chúng ta có thể thu thuế cao đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông không thân thiện với môi trường. Hiện, như tôi đã nói ở trên, mức thuế chúng ta thu đối với túi ni lông không thân thiện môi trường đã là cao rồi. Vấn đề mấu chốt là các cơ quan thu thuế có thu thuế quyết liệt các cơ sở sản xuất túi ni lông không thân thiện với môi trường hay không mà thôi.

Mặc dù vấn đề thu thuế không thuộc trách nhiệm của Bộ TNMT tuy nhiên theo đánh giá của Bộ TNMT, việc thu thuế đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông nhỏ chưa được thực hiện nghiêm túc, các cơ sở sản xuất túi ni lông luôn tìm cách trốn thuế, các cơ quan thu thuế làm chưa quyết liệt.

Vì vậy Bộ TNMT đề nghị, trong thời gian tới cần đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt vấn đề thu thuế đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông nhỏ. Cần kết hợp với lượng lượng công an khu vực trong việc thu thuế đối với các hộ sản xuất túi ni lông.

Rác thải từ túi ni lông là loại rác thải không phân hủy. IT

Nguy cơ và hậu quả từ rác thải túi ni lông tại Việt Nam hiện nay ra sao thưa ông?

Ở Việt Nam, vấn đề rác thải túi ni lông đã được nói đến rất nhiều, nguy cơ từ túi ni lông thì mọi người đã biết từ lâu rồi, nhưng đến những năm gần đây khi túi ni lông xuất hiện nhiều ở các bãi rác, túi ni lông ngổn ngang ở các thành phố lớn, tình trạng này đã trở nên đáng báo động và vấn đề xử lý rác thải ni lông trở nên cấp bách hơn.

Các túi ni lông nhỏ được người tiêu dùng sử dụng để đựng đồ khi đi chợ, hay để đựng rác thải trong gia đình, những loại túi ni nông này sẽ không được tái chế và trở thành rác thải. Rác thải này nếu tồn tại trong đất sẽ làm đất không xốp, ảnh hưởng hệ thống nước ngầm, nếu ra các dòng sông túi ni lông sẽ ngăn nước, ảnh hưởng xáo trộn hệ tự nhiên.

Nếu không để túi ni lông thải ra môi trường, người ta phải xử lý nó, và để xử lý rác thải túi ni lông thì rất là tốn kém.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt riêng 1 đề án về kiểm soát rác thải túi ni lông?

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 582 về “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020”. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Từ khi thực hiện đề án 582 đến nay việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm 2015, 90% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị đặc biệt và loại 1 đã sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy.

Tại các địa phương khác, túi ni lông thân thiện môi trường cũng đang ngày càng được sử dụng rộng rãi ở những trung tâm thương mại.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là tại các chợ dân sinh truyền thống, chợ nông thôn việc sử dụng túi ni lông siêu mỏng khó phân hủy, gây hại cho môi trường vẫn còn phổ biến.

Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt tại các chợ dân sinh truyền thống, chợ nông thôn khi việc này đã trở thành thói quen của tất cả người tiêu dùng?

Để thực hiện được vấn đề này cần có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trung ương như Bộ TNMT, Bộ Công Thương, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Thuế, ở địa phương các sở ban ngành liên quan như Sở TNMT, Sở Công Thương, các chi cục Thuế, chi cục Quản lý thị trường, Ban quản lý các chợ, công an khu vực… trong việc tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện, túi phân hủy để họ hạ giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh với túi ni lông khó phân hủy, tạo thói quen sử dụng túi thân thiện, túi dùng nhiều lần.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đình Thắng (Dân Việt)