Kinh tế

Sầu riêng miền Tây rớt giá do thị trường Trung Quốc biến động

Nông dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đang đau đầu vì sầu riêng trái vụ đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng chỉ 30.000-40.000 đồng/kg, giảm một nửa so với trước.

Vài ngày trở lại đây, nhiều nông dân vùng chuyên trồng sầu riêng ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đang đứng ngồi không yên khi giá sầu riêng mà thương lái mua giảm hơn một nửa so với hàng năm.

Giá sầu riêng giảm gần một nửa so với 2017

“Vườn nhà tôi hiện có khoảng 10 tấn sầu riêng vào mùa thu hoạch. Mới đây, thương lái trả chỉ còn 36.000 đồng/kg. Mức giá này là quá thấp, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái”, ông Tâm, một nhà vườn tại Cai Lậy, Tiền Giang nói.

Sầu riêng miền Tây rớt giá do thị trường Trung Quốc biến động
Sầu riêng trái vụ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long hiện rớt giá chỉ còn một nửa so với các năm trước.

Ông cho biết thêm thời điểm này ở mùa thu hoạch 2017, nông dân rất phấn khởi vì giá sầu riêng được thương lái thu mua tại vườn từ 70.000-75.000. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay lại không như mong đợi của họ.

“Với giá chỉ hơn 30.000 đồng thế này là nông dân phải chịu lỗ, 1 kg mất gần khoảng 40.000 đồng nên sau khi trừ hết chi phí, công chăm sóc và thời gian chờ thu hoạch là không thể có lời được. Vì sầu riêng bắt đầu rộ nên tôi vẫn bấm bụng bán một nửa, phần còn lại neo trên cây chờ giá lên”, ông Tâm cho hay.

Không riêng ông Tâm, hiện nhiều nhà vườn trồng sầu riêng trái vụ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch và họ đang đau đầu khi loại trái cây vốn rất được giá này bỗng giảm mạnh như vậy.

Bà Thúy, một nhà vườn tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết hiện thương lái thu mua tại vườn nhà bà chỉ 43.000 đồng/kg sầu riêng Ri 6, sầu riêng Monthong là 50.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá này chỉ áp dụng cho quả loại 1 và được tuyển chọn kỹ.

“Giá nào cũng có, loại 1 được giá cao nhất nhưng cũng giảm từ 30.000-40.000 đồng/kg so với thường năm. Trong khi đó, hàng loại 2-3, trái nhỏ, không đều và đẹp mắt thì chỉ từ 20.000 đến hơn 30.000 đồng/kg. Với nông dân, con số chênh lệch này là rất thê thảm”, bà Thúy chua xót nói.

Với mức giá thấp và không bán chạy như mọi năm, hiện nhiều nhà vườn trồng sầu riêng cũng phải bán xô cắt liền tại vườn cho thương lái với giá từ 30.000-40.000 đồng. Trong khi đó, nhiều người cũng tiếc công sức trồng nên chưa bán vội hoặc chất đống ở vườn chờ… lên giá.

Thị trường xuất khẩu Trung Quốc có biến động

“Sầu riêng nếu bán hơn 40.000 đồng/kg thì nông dân chúng tôi vẫn có thể hoàn được vốn nhưng nếu thấp hơn nữa thì không thể cứu được nữa. Nhiều người đã tính đến chuyện tự tìm đầu ra như bán cho người quen hoặc mang ra quốc lộ bán”, bà Thúy cho hay.

Dọc quốc lộ 60 đi qua tỉnh Bến Tre những ngày này nhiều nông dân đã mang sầu riêng tại vườn ra bán cho khách vãng lai hoặc các tiểu thương nhỏ lẻ trong vùng.

Sầu riêng miền Tây rớt giá do thị trường Trung Quốc biến động - 1
Nhiều nhà vườn phải "neo" lại để chờ thêm thời gian để giá lên hoặc tự tìm đầu ra. Ảnh: G.V.

Mức giá bán lẻ tại chỗ của các nhà vườn là từ 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, nhiều nhà vườn cũng đã tranh thủ bắt mối với người quen để rao bán trên mạng và giao hàng tận nơi đến TP.HCM

Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cho rằng việc tự tìm đầu ra cho sầu riêng theo hình thức này tuy có thể tăng thêm một ít vốn liếng nhưng không thể giải quyết hết số lượng lớn sầu riêng đang thu hoạch.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân là sức mua của Trung Quốc có nhiều biến động. Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu chủ yếu sầu riêng của nước ta và hầu hết đều qua con đường tiểu ngạch (biên mậu).

Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre là 3 tỉnh trồng sầu riêng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, sản lượng trung bình hơn 70.000 tấn/năm. Ri 6, 9 Hóa, Monthong… là những giống sầu riêng cho năng suất cao được trồng ở khu vực này.

Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu nông sản cho biết Trung Quốc hiện là một thị trường lớn về trái cây và nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện số loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chính cản trở này mà nhiều nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, dừa, khoai lang… muốn vào Trung Quốc đều phải đi tiểu ngạch với nhiều rủi ro. Theo vị này, hiện tình hình sầu riêng trái vụ ở đồng bằng sông Cửu Long rớt giá khi vào thị trường này cũng không ngoại lệ những rủi ro đó.

Trước tình hình biến động giá cả và khó khăn về đầu ra, tỉnh Tiền Giang đã có kiến nghị với trung ương để xem xét, tháo gỡ và đàm phán về tình hình tiêu thụ, xuất nhập khẩu sầu riêng giúp nông dân.

Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)