Kinh tế

Sau 4 năm rút lui, bầu Đức lại đầu tư vào thủy điện

Một thời gian rút khỏi mảng thủy điện để cơ cấu nợ, đến nay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại quyết định đầu tư vào một dự án thủy điện ở Lào.

Ngày 26/1, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ra quyết định góp 49,5 tỷ đồng thành lập Công ty thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn cùng với các đối tác khác. Thông tin từ HAGL, dự án thủy điện ở Lào được triển khai dựa trên chủ trương phát triển dự án của nước này.

Nghị quyết HĐQT của tập đoàn cũng thông báo, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc của HAGL, được ủy quyền làm đại diện vốn tại công ty thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn. Theo đại diện HAGL, dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cấp phép nên chưa thể tiết lộ các thông tin chi tiết.

Sau 4 năm rút lui, bầu Đức lại đầu tư vào thủy điện
4 năm không có doanh thu từ thủy điện, bầu Đức vẫn góp gần 50 tỷ đồng thành lập công ty mới.

Trước đây, HAGL đã từng đầu tư rất nhiều vào mảng thủy điện. Chỉ trong thời gian ngắn, HAGL đã được cấp phép triển khai 20 dự án thủy điện tại các tỉnh Tây Nguyên, Thanh Hóa và trên nước bạn Lào. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến năm 2016, trong cơn khủng hoảng của mình, HAGL đã lần lượt bán các dự án thủy điện để giảm nợ vay.

Trước khi bắt đầu bán các doanh nghiệp thủy điện, doanh thu ngành này từng đạt 139 tỷ đồng và góp tỷ trọng 3,2% doanh thu năm 2012 - theo báo cáo thường niên của công ty. Số tiền thu được từ việc bán các nhà máy thủy điện ước đạt khoảng 2.100 tỷ đồng.

Tiền từ việc bán các dự án thuỷ điện nói trên được HAGL sử dụng đầu tư cho các dự án tại Myanmar và trả nợ ngân hàng. Tuy vậy, tập đoàn này vẫn giữ lại các dự án thủy điện đang xây dựng tại Lào.

Tính đến cuối quý III/2017, HAGL còn 3 công ty thủy điện, với tỷ lệ nắm giữ trên 99%, gồm Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, Thủy điện Attapeu và Nậm Kông. Trong đó, chỉ có Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, được xây dựng từ năm 2007 tại Gia Lai, là đang hoạt động, nhưng không có đóp góp đáng kể trong tổng cơ cấu doanh thu 9 tháng năm 2017.

Hiện tại, HAGL vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017. Tuy nhiên, tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã cho thấy những cải thiện đáng kể với việc mảng trái cây đang mở ra những “cửa sáng” cho HAGL.

Theo báo cáo quản trị năm 2017 do HAGL vừa công bố, hiện tại ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL vẫn đang là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này.

Năm 2017, bầu Đức đã bán 23 triệu cổ phiếu HAG để cơ cấu nợ, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL từ 36,5% xuống còn 35,02% (tương ứng 324,76 triệu cổ phiếu HAG).

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)