Kinh tế

Sắp đến chu kỳ, giá xăng tăng hay giảm?

Chi phí nhập khẩu tăng, tỷ giá không biến động nhiều có thể sẽ tác động tới giá xăng dầu cơ sở dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai (19/6), theo chu kỳ 15 ngày.

Chi phí nhập khẩu tăng, tỷ giá không biến động nhiều có thể sẽ tác động tới giá xăng dầu cơ sở dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai (19/6), theo chu kỳ 15 ngày.

 
Phân tích tình hình hiện tại, giá CIF, thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá xăng, nhiều khả năng sẽ có giá trị trung bình cao hơn so với 15 ngày trước đó. Giá nhập khẩu xăng RON 92 trung bình trong chu kỳ từ 4/6 đến 18/6 là 82,36 USD/thùng, cao hơn chu kỳ trước 1,2 USD.

Trong khi đó, tỷ giá USD tại 2 chu kỳ không có sự chênh lệch lớn. Tính từ 4/6 tới 18/6, tỷ giá trung bình tại Vietcombank là 21.834 đồng đổi 1 USD, thấp hơn 4 đồng so với chu kỳ trước. Như vậy, khi các chi phí cố định không thay đổi, việc giá nhập khẩu trung bình tăng lên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá xăng dầu cơ sở tại chu kỳ mới.

Theo chu kỳ 15 ngày, 19/6 sẽ là thời điểm cơ quan điều hành công bố giá cơ sở bán lẻ xăng dầu. Kể từ tháng 3/2015, áp lực tăng giá xăng đã quay trở lại khi giá dầu thế giới có xu hướng phục hồi. Đặc biệt, kể từ đầu tháng 5 tới nay, giá xăng dầu nhập khẩu luôn dao động quanh mốc 80 USD một thùng.

Chu kỳ từ 4/6 tới 19/6 cũng ghi nhận lần đầu tiên trong năm 2015, giá nhập khẩu xăng dầu vượt mốc 85 USD một thùng vào ngày 10/6. Đó cũng là thời điểm giá dầu Brent thế giới nằm ở mức cao nhất trong tháng 6, với 66,37 USD cho một thùng.
 

Giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng kể từ tháng 3. Ảnh: Hoàng Anh.

 
Quỹ bình ổn còn bao nhiêu?
 
Theo báo cáo được công bố vào cuối tháng 5 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Quỹ bình ổn xăng dầu tính đến hết tháng 4 còn dư khoảng 1.770 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ so với đầu tháng. Còn nếu tính từ đầu năm, quỹ đã giảm tới gần 400 tỷ.

Quỹ bình ổn giảm do chi sử dụng nhiều hơn trích lập. Mức trích lập quỹ đang là 300 đồng/lít, so với mức chi sử dụng 1.047 đồng/lít trong chu kỳ 4/6-19/6. Kể từ đầu năm, mức chi sử dụng nhiều hơn 1.000 đồng cho mỗi lít xăng được áp dụng thường xuyên, trong khi mức trích lập dao động 300-800 đồng/lít.

Thời gian qua, một số ý kiến trái chiều liên quan với sự tồn tại của quỹ này đã xuất hiện. Cơ quan điều hành khẳng định, việc duy trì quỹ sẽ giúp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại cho rằng "nên dẹp Quỹ bình ổn". Theo vị này, sự tồn tại của quỹ "chỉ gây nghi vấn thiếu minh bạch trong cách sử dụng”.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) dự đoán, giá xăng trong chu kỳ tới chưa chắc đã tăng. Giá nhập khẩu tăng, Quỹ Bình ổn cạn kiệt, song sự điều hành của con người mới là yếu tố chính quyết định sự tăng hay giảm của giá bán lẻ xăng dầu. Theo ông Long, việc dư luận liên tục nhắc tới chủ đề thuế bảo vệ môi trường làm tăng giá xăng có thể sẽ tác động tới vấn đề điều hành mặt hàng này.

Còn theo chủ một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội, việc tăng hay giảm giá xăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nên rất khó để nắm bắt. Vị này cũng cho biết, giá nhập khẩu, tỷ giá cùng giá dầu thế giới đồng loạt tăng trong thời gian qua sẽ khiến giá bán lẻ khó có thể sớm quay lại mức thấp như hồi đầu năm.

Theo Tô Đức (Zing.vn)