Kinh tế

Sacombank đã xử lý hơn 2.500 tỷ đồng nợ xấu

Ngoài số nợ xấu 2.500 tỷ đã xử lý, Sacombank cũng trích lập dự phòng rủi ro 5.000 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm. 

Ngoài số nợ xấu 2.500 tỷ đã xử lý, Sacombank cũng trích lập dự phòng rủi ro 5.000 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm. 

Ngoài ra, Sacombank cho biết, tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong tháng 7 cũng như bảy tháng đầu năm tăng trưởng ổn định.

sacombank-da-xu-ly-hon-2500-ty-dong-no-xau

Sacombank đã xử lý hơn 2.500 tỷ đồng nợ xấu sau 7 tháng. Ảnh: Lệ Chi.

Cụ thể, trong tháng 7 lợi nhuận của Sacombank trước trích lập dự phòng và các khoản chi phí trích trước là 552 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 159 tỷ đồng, tăng 88 tỷ so với bình quân 6 tháng trước; luỹ kế 7 tháng đạt 587 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank trong tháng 7 là 175 tỷ đồng. Luỹ kế 7 tháng đạt 754 tỷ. Phía ngân hàng cho rằng khả năng đến cuối năm lợi nhuận trước thuế sẽ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Đến 31/7/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 354.807 tỷ đồng, tăng 7,8% so đầu năm. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư 315.474 tỷ, tăng 9% so đầu năm. Tổng tín dụng của Sacombank tăng 12,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 7,9%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 214.879 tỷ đồng, tăng 11,3% so đầu năm.

Đồng thời, trong 7 tháng đầu năm, Sacombank đã xử lý được 2.520 tỷ đồng nợ xấu và dự phòng rủi ro đã trích lập là 5.044 tỷ đồng.

Trước đó, liên quan đến thông tin hai cựu lãnh đạo cấp cao của Sacombank bị bắt, Chủ tịch Dương Công Minh khẳng định rằng sự việc này không ảnh hưởng tới hoạt động của Sacombank. Vì ông Trầm Bê đã không còn vai trò quản trị, điều hành tại nhà băng này từ tháng 2. Với ông Phan Huy Khang, từ ngày 3/7 cũng đã không còn là Thành viên HĐQT cũng như Tổng giám đốc tại Sacombank.

Chủ tịch Sacombank cho biết thêm, hiện nay nợ xấu tại Sacombank vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng. "Chúng tôi đã quyết liệt xử lý và phấn đấu đến cuối năm nay sẽ xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng”, ông Minh nói.

Hiện nay, Ban lãnh đạo Sacombank đang tích cực triển khai đề án tái cấu trúc đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, nhằm sớm khắc phục những vấn đề tồn đọng.

Những hoạt động trọng tâm mà ngân hàng này tập trung là tái cấu trúc bộ máy và tái cấu trúc nhân sự; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh; quyết liệt xử lý và thu hồi nợ xấu...

Theo Thanh Lê (VnExpress.net)