Kinh tế

Quốc gia này vừa tăng lương cơ bản lên 3.500%

Tưởng như hoang đường nhưng đây lại là chuyện hoàn toàn có thật nhằm cứu vãn tình hình lạm phát tại nước này.

Trong bài phát biểu vào ngày 17/8 vừa qua, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thông báo tăng lương cơ bản của nước này 3.500% lên 30 USD/tháng (698.000 VND). Ông cho biết: “Các chuyên gia trong đội ngũ kinh tế đều cảm nhận nỗi oán giận đầy đau khổ của dân chúng”.

Theo kế hoạch cải tổ, đồng Bolivar mới sẽ được liên kết với đồng tiền điện tử quốc gia Petro. Đây là đồng tiền ảo tiêu chuẩn dùng trong trong định giá dịch vụ, hàng hóa, tiền lương trong nước và thanh toán quốc tế của Venezuela. Hiện tại, một đồng Petro có giá 60 USD hoặc 3.600 Bolivar mới. Tỷ giá hối đoái chính thức giữa đồng tiền mới của Venezuela và đô la Mỹ đã thay đổi từ 1:285.000 thành 1:6.000.000. Như vậy, đồng tiền của Venezuela đã giảm giá trị đến 95%, tương đương với giá trên thị trường chợ đen.

Quốc gia này vừa tăng lương cơ bản lên 3.500%
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Bộ trưởng tin tức Venezuela, ông Jorge Rodriguez cho biết, chính phủ sẽ đặt 300 điểm đổi tiền ở các khách sạn, sân bay và trung tâm mua sắm để thay thế các giao dịch chợ đen ở nước này. Ngoài ra, theo ông Maduro, ngân hàng trung ương sẽ tăng tần suất đấu giá ngoại hối hàng tuần lên 3 lần, cho đến khi nó tăng lên thành 5 lần/tuần.

Quốc gia này vừa tăng lương cơ bản lên 3.500% - 1
Biểu đồ lạm phát phi mã ở Venezuela

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Maduro cũng thông báo rằng chính phủ sẽ tăng mức lương tối thiểu ở nước này lên 1.800 Bolivar mới, tương đương 0,5 Petro, tăng 3.500% so với mức lương cũ. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ tương đương 30 USD/tháng.

Quốc gia này vừa tăng lương cơ bản lên 3.500% - 2
Một điểm đổi tiền Bolivar cũ sang mới tại hiệu sách

Bên cạnh đó, chính quyền của ông Maduro còn áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để kiềm chế sự hoảng loạn ngày càng gia tăng ở người tiêu dùng trong nước. Ngày 21/8, chính phủ Venezuela đã công bố mức giá quy định của 50 loại hàng hóa, đồng thời trả “tiền thưởng chuyển đổi” (recoversion bonus) để giúp dân chúng đáp lại cải cách kinh tế.

Theo Hương Nguyễn (Dân Việt)