Kinh tế

Quản lý thị trường nói nhân viên Khaisilk thay hàng Trung Quốc

Theo báo cáo bước đầu của Quản lý thị trường, do nhu cầu khăn lụa tăng đột biến dịp 20-10, nhân viên cửa hàng Khaisilk đã tự mua hàng Trung Quốc và thay nhãn Made in Vietnam.

Quản lý thị trường nói nhân viên Khaisilk thay hàng Trung Quốc
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cừa hàng của Khaisilk

Đây là một trong những nội dung báo cáo của cơ quan quản lý thị trường Hà Nội gửi Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương về kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo Báo cáo số 3009/BC-QLTT của Quản lý thị trường Hà Nội, cửa hàng 113 Hàng Gai là do bà Nguyễn Thị Thu Nga làm chủ hộ kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể do UBND quận Hoàn Kiếm cấp.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga cho biết cửa hàng này chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.

Tuy nhiên, do sơ xuất trong quản lý và trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20-10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn "KHAISILK Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.

Tổng số hàng hóa mà cửa hàng này đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc và còn tồn 56 chiếc.

Giá niêm yết các sản phẩm này là 644.000 đồng/chiếc, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng. Toàn bộ số hàng trên đang được thu giữ.

Một đại diện của chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã xác nhận với PV rằng đúng là đã có báo cáo sơ bộ gửi Cục Quản lý thị trường về tình hình kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai.

Tuy nhiên, vị này cho biết đó mới chỉ là báo cáo về kết quả tình hình kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng vào ngày 27-10, chứ không phải là báo cáo kết luận.

Vị lãnh đạo nói trên cho biết hiện vẫn đang xác minh rõ mối quan hệ của chủ hộ kinh doanh là bà Nga với Khaisilk, cũng như nhiều vấn đề khác liên quan.

"Hiện nay mới có báo cáo sơ bộ ban đầu và chưa có kết luận gì cả. Vụ việc vẫn đang trong giai đoạn xác minh làm rõ", vị này thông tin.

PV đã nêu ra một số câu hỏi rằng liệu có sự mập mờ, bao che của cơ quan quản lý thị trường Hà Nội khi nhiều năm không phát hiện ra sai phạm và khi có chỉ đạo của Bộ trưởng mới làm nghiêm? 

Hay tại sao không kiểm tra nhiều cửa hàng, điểm bán khác của Khaisilk mà chỉ kiểm tra ở cửa hàng 113 Hàng Gai và chỉ thu giữ mấy chục chiếc khăn? 

Tại sao vụ việc kiểm tra lại không cho báo chí tham dự?

Vị đại diện quản lý thị trường Hà Nội nói rằng cơ quan này "hoàn toàn không có vướng mắc nào", làm "rất nghiêm túc" và "cởi mở với báo chí" vì hoạt động kiểm tra theo chỉ đạo, liên quan đến hộ cá thể, việc kiểm tra xác định mức độ vi phạm cũng "phải thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến một cá nhân, doanh nghiệp". 

Vị này cũng cho biết khi có thông tin kết luận sẽ công bố rộng rãi với các phương tiện truyền thông.

Trước đó, khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội liên quan đến vụ việc thương hiệu Khaisilk bán khăn lụa "Made in China" gắn mác Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi không tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng, thiếu trung thực trong sản xuất kinh doanh.

"Điều này làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn là làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ông khẳng định cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh, làm rõ các vi phạm của doanh nghiệp, xử ký nghiêm theo đúng quy định.

Trong một diễn biến khác, hàng loạt các cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk ở Hà Nội và TP.HCM đã tạm thời đóng cửa.

Theo Ngọc An (Tuổi Trẻ)