Kinh tế

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Nếu khó quá thì thuê tôi làm cho'

"Nếu khó quá thì thuê Phó thủ tướng xuống, tôi làm cho. Tôi cũng biết chút chút về kế toán", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói khi đại diện hải quan không trả lời cụ thể cho DN.

Sáng 13/5, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hội nghị có sự tham gia chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Nếu khó quá thì thuê tôi làm cho'
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh.

Chuyện nhỏ gây vướng mắc lớn cho doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá tình trạng loạt hàng hoá phải chịu nhiều quy trình quản lý chuyên ngành đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tốc độ cải cách chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, vẫn còn khoảng cách khá xa so với công nghệ tốt nhất trong ASEAN và thế giới.

Ông Lộc cho biết theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì thủ tục, thời gian, chi phí của kiểm tra chuyên ngành nước ta vẫn gấp 2-3 lần so với các nền kinh tế hàng đầu ASEAN. Ngay cả nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bây giờ đều nhấn mạnh việc này.

Qua khảo sát của VCCI với hơn 3.000 doanh nghiệp, ông Lộc cho biết dù kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến tích cực song đây vẫn là sự cản trở lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Đại diện một công ty thuộc Khu công nghiệp Thăng Long đề cập đến công văn 858 của Tổng cục Hải quan có hiệu lực từ tháng 3/2019 về báo cáo quyết toán cho vật tư tiêu hao và công cụ dụng cụ, nhưng lại gây khó khăn, vướng mắc khi mỗi doanh nghiệp có cách hiểu khác nhau vì không có định nghĩa rõ ràng. Vì thế nhiều khi quan điểm giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan cũng không khớp.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Nếu khó quá thì thuê tôi làm cho' - 1
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý của Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn. Ảnh: Kỳ Anh.

Giải đáp, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý của Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho biết sẽ ghi nhận ý kiến doanh nghiệp và có hướng dẫn cụ thể.

Khi ông Tuấn đang trình bày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ngắt lời: “Nói chung chung thế không được đâu. Phải nói khi nào giải quyết triệt để. Cái này quá đơn giản, phải nói cụ thể khi nào xong”.

Phó thủ tướng yêu cầu sẽ cho hạn hết tháng 5, nếu chưa giải quyết được thì gửi thẳng văn bản lên Thủ tướng. Phó thủ tướng lưu ý không để chuyện rất nhỏ này gây ra vướng mắc cho doanh nghiệp, vì nhỏ với cơ quan quản lý nhưng lại là vấn đề lớn của doanh nghiệp.

Theo đó, nguyên vật liệu thì phải xây dựng định mức, cái này có quy định rõ và rất đơn giản về mặt kế toán, tài chính. Vì thế, không nên để người ta hiểu sai hoặc người hiểu thế này, người hiểu thế khác.

“Nếu khó quá thì thuê Phó thủ tướng xuống, tôi làm cho. Tôi cũng biết chút chút về kế toán”, Phó thủ tướng nói đồng thời đề nghị giải quyết ngay vướng mắc cho doanh nghiệp, có quy định hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc.

Không ban hành tiêu chuẩn, dứt khoát không được kiểm tra

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Chủ tịch Ủy ban cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại) khẳng định kết quả kiểm tra chuyên ngành năm 2017 đạt kết quả toàn diện và đột phá nhất từ trước đến nay.

Về cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mục tiêu của Chính phủ là cắt giảm 50% nhưng đến nay, Phó thủ tướng cho biết chúng ta đã cắt khoảng gần 70%, tiết kiệm 12 triệu ngày công và hơn 5.000 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

“Đây là tác động rất lớn, chưa kể đến những cái lợi không thể đong đếm được là giúp doanh nghiệp hứng khởi hơn trong kinh doanh”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Nếu khó quá thì thuê tôi làm cho' - 2
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh.

Dù đạt nhiều kết quả, song theo Phó thủ tướng, công tác triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa thực sự đi vào thực chất và có chiều sâu, việc triển khai trên thực tế còn có khoảng cách so với quy định, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao.

Đặc biệt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc còn tình trạng một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều bộ khác nhau hoặc nhiều cơ quan trong cùng một bộ.

“Rồi có tình trạng bộ, ngành ban hành danh mục kiểm tra nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, tức là anh muốn kiểm tra gì, kiểm tra thế nào cũng được. Năm nay phải chấm dứt, không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì dứt khoát không được kiểm tra gì hết”, Phó thủ tướng quán triệt.

Ông cũng gợi ý trong việc kiểm tra, nhà nước chỉ nắm những khâu then chốt bắt buộc phải làm, còn lại có thể xã hội hóa để tư nhân làm, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, lại mang tính độc lập nên kiểm tra sẽ khách quan hơn.

“Tới đây phải giám sát thêm việc này, vì đã có chủ trương từ lâu nhưng các bộ vẫn chưa bỏ được chức năng 'vừa đá bóng, vừa thổi còi', vừa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn vừa đi kiểm tra, giám sát”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Ông cũng đề nghị chấn chỉnh thái độ nhũng nhiễu, phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, cộng với những chi phí không chính thức tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao.

Lưu ý một vấn đề khác, Phó thủ tướng cho rằng cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại phải gắn với chống gian lận thương mại.

Ông kể từng nói với đại diện Ngân hàng Thế giới rằng họ đề cập nhiều đến tạo thuận lợi thương mại nhưng lại không đề cập đến chống gian lận thương mại. Vì thế, cần phải rà soát lại việc cắt giảm, tránh tình trạng “cái cần cắt không cắt, cái không cần lại cắt”.

Phó thủ tướng cũng lưu ý không phải cắt được nhiều là tốt có những cái cần phải giữ để bảo vệ công tác quản lý Nhà nước. Theo ông, chúng ta không thể “mở toang” cửa quốc gia để ai muốn vào thì vào theo cách tùy tiện.

“Quan điểm của Chính phủ là vừa tạo thuận lợi thương mại đến nơi đến chốn, cắt giảm triệt để vòi vĩnh, sách nhiễu nhưng chống gian lận thương mại cũng phải quan tâm. Phải tăng cường giám sát, nếu có sơ hở thì Bộ trưởng, người đứng đầu bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Theo Hoài Thu (Tri Thức Trực Tuyến)