Kinh tế

Phí ngân hàng 'bủa vây' người dùng

Người sử dụng dịch vụ ngân hàng ngộp trong 'rừng' phí khi ngân hàng điều chỉnh biểu phí gần đây.

Phí tăng, chất lượng không tăng

Sau khi điều chỉnh bảng phí dịch vụ áp dụng cho khách hàng cá nhân từ ngày 1.3, Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) lại vừa tăng phí dịch vụ đối với khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Bankplus. Ngoài phí duy trì dịch vụ 10.000 đồng/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng), khách hàng chuyển khoản tới người hưởng tại Vietcombank với số tiền dưới 50 triệu đồng sẽ mất phí 2.000 đồng/giao dịch, trên 50 triệu đồng mất phí 5.000 đồng.

Trường hợp khách hàng chuyển khoản cho người hưởng tại NH khác Vietcombank dưới 10 triệu đồng sẽ có mức phí 7.000 đồng/giao dịch, từ 10 triệu đồng trở lên có phí 0,02% số tiền chuyển (tối thiểu 10.000 đồng/giao dịch và tối đa 1 triệu đồng/giao dịch). Mức phí này áp dụng từ ngày 15.4.

Trước đó, biểu phí mà NH này công bố áp dụng từ ngày 1.3 là miễn phí đối với dịch vụ khách hàng chuyển khoản tới người hưởng tại Vietcombank và phí đối với chuyển khoản NH khác là 11.000 đồng/giao dịch. Không chỉ Vietcombank, nhiều NH như Sacombank, Eximbank, TPBank... cũng vừa thay đổi biểu phí dịch vụ từ tháng 1 đến nay.

Phí ngân hàng 'bủa vây' người dùng
Nhiều ngân hàng thay đổi biểu phí dịch vụ áp dụng cho khách hàng cá nhân. ẢNH: Đ.N.THẠCH

Đáng nói nhiều khách hàng phản ánh, tăng phí nhưng chất lượng dịch vụ của các NH lại không tăng. Ông Sơn (TP.Nha Trang) chuyển 5,6 triệu đồng tại ATM Agribank Khánh Hòa vào tài khoản đại lý vé máy bay mở tài khoản tại Vietcombank Nha Trang để thanh toán tiền vé máy bay bức xúc: “2 NH này cách nhau chưa được 1 km và tôi trả đủ phí chuyển khoản 8.800 đồng/giao dịch mà đến 1 tuần sau số tiền trên vẫn chưa vào được tài khoản đại lý vé máy bay. Tôi đến NH hỏi thì nhân viên bảo chờ thêm 20 ngày nữa. Do đại lý bán vé máy bay là chỗ quen nên họ chấp nhận chờ đến cuối tháng 3. Nếu đại lý không nhận được, tôi phải mang tiền mặt tới tận nơi để kịp chốt sổ cuối tháng rồi đại lý sẽ trả lại tiền tôi nếu họ nhận được tiền vào tài khoản. Quá phiền phức và mất thời gian”.

Bà Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi chuyển 600.000 đồng thanh toán mua trái cây cho bà Trinh qua dịch vụ chuyển khoản trên tài khoản NH điện tử Vietcombank. Tài khoản của bà Trinh cũng mở tại Vietcombank nên sau khi chuyển tiền, bà Nga báo cho người nhận và nghĩ đã thanh toán xong. 2 tuần sau, bà Trinh báo vẫn chưa nhận được tiền vào tài khoản, trong khi tài khoản của bà Nga đã bị trừ tiền. Cuối cùng, bà Nga phải trực tiếp ra NH tìm hiểu thì được báo số tiền trên đang “treo” và sau đó NH chuyển vào tài khoản của bà Trinh.

Thẻ oằn lưng “cõng” phí

Không chỉ tăng phí, những chiếc thẻ NH còn gánh cả “rừng phí” khiến người dùng “không biết đâu mà lần”. Các NH hiện nay đều áp dụng phí xác nhận số dư từ 30.000 - 50.000 đồng; quản lý tài khoản từ 2.000 - 5.000 đồng/tháng, riêng đối với khách hàng sử dụng dịch vụ NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) thì phí duy trì tài khoản mỗi tháng lên 100.000 đồng; phí đóng tài khoản từ 20.000 - 50.000 đồng đối với tài khoản mở dưới 12 tháng; phí vấn tin tài khoản 550 đồng/giao dịch, phí in sao kê tài khoản 550 đồng/giao dịch... Trong các mức phí mà NH đưa ra, một số loại phí mà người sử dụng sẽ trả hằng tháng, đó là phí nhận tin nhắn SMS hiện nay từ 8.800 - 11.000 đồng/tháng, tức 105.000 - 132.000 đồng/năm.

Trong trường hợp chủ thẻ rút tiền 3 lần/tháng có mức phí 1.100 - 3.300 đồng/giao dịch (tùy theo rút tiền tại ATM trong cùng hệ thống hay khác hệ thống), người sử dụng phải chi ra từ 3.300 - 9.900 đồng/tháng (tức 39.600 - 118.800 đồng/năm). Hay thực hiện chuyển khoản 3 lần/tháng với mức phí từ 3.300 - 11.000 đồng/giao dịch, mỗi tháng đã phải trả 9.900 - 33.000 đồng/tháng (tức 118.800 - 396.000 đồng/năm)... Như vậy chỉ tính sơ sơ mỗi năm, chủ thẻ đã phải trả vài trăm ngàn khi sử dụng một số dịch vụ cơ bản.

Theo NH Nhà nước, trong quý 4/2017 có hơn 206 triệu giao dịch được thực hiện, bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản với giá trị 563.196 tỉ đồng. Nếu tính bình quân phí cho 1 giao dịch là 3.000 đồng, hệ thống NH cũng đã thu vào hơn 600 tỉ đồng tiền phí trong quý qua. Nhưng khoản lợi lớn là từ số dư tiền gửi thanh toán cá nhân tăng lên mức 325.516 tỉ đồng của 132 triệu thẻ với lãi suất rất thấp. Theo các chuyên gia, đáng lẽ hưởng lợi lớn từ khoản này, các NH nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ trước khi tính đến chuyện tăng phí.

Đó là chưa kể, xu hướng phát triển NH điện tử, không những khách hàng được thuận tiện trong giao dịch mà các NH còn tiết kiệm được chi phí vận hành bộ máy hoạt động như tiền thuê trụ sở, nhân viên, điện nước... Do đó NH không nên hoặc áp dụng một mức phí thấp đối với dịch vụ này để khuyến khích khách hàng sử dụng.

Theo Thanh Xuân (Thanh Niên Online)