Kinh tế

Phát hành trái phiếu 3 tỷ USD: Cơ hội vốn rẻ hay gánh nặng nợ công?

Việc Chính phủ muốn phát hành trái phiếu 3 tỷ USD ra thị trường quốc tế nên nhìn ở góc độ nào cho đúng? Rủi ro và lợi ích của việc này thế nào? Tác động tới nợ công ra sao?..., đó là những băn khoăn của không ít đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Việc Chính phủ muốn phát hành trái phiếu 3 tỷ USD ra thị trường quốc tế nên nhìn ở góc độ nào cho đúng? Rủi ro và lợi ích của việc này thế nào? Tác động tới nợ công ra sao?..., đó là những băn khoăn của không ít đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề hành lang Quốc hội

Không ít ý kiến ủng hộ Chính phủ phát hành trái phiếu 3 tỷ USD trên thị trường quốc tế vì đây là cơ hội để huy động được ngoại tệ nguồn vốn rẻ. Tuy nhiên cũng ít đại biểu Quốc hội lo lắng đây sẽ gây gánh nặng nợ công do việc sử dụng không đúng mục đích và không hiệu quả, rủi ro tỷ giá.

Quan trọng hơn, việc phát hành trái phiếu để đảo nợ là việc làm mà Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) không cho phép. Nếu đa số đại biểu tán thành thì Quốc hội sẽ phải ban hành Nghị quyết.

Không muốn giành vốn với doanh nghiệp

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, cho rằng hiện nay thị trường tiền tệ đang có lãi suất thấp, đặc biệt là lãi suất USD trên thế giới thấp.

“Cả năm nay Mỹ dự kiến tăng lãi suất nhưng chưa nâng được như vậy lãi suất USD trên thế giới đang ở mức thấp. Trong khi đó, cái đánh giá mức tín nhiệm của Việt Nam đang ở mức ổn định, đây là cơ hội để mình phát hành trái phiếu 5 năm, 10 năm, 20 năm với lãi suất thấp”, đại biểu Ngân phân tích.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân


Quan trọng hơn, theo đại biểu Ngân, việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế sẽ giảm áp lực cạnh tranh vốn với doanh nghiệp và bớt áp lực cho lãi suất.

“Vấn đề là nếu mình dồn lực phát hành trái phiếu trong nước doanh nghiệp sẽ chết, vì Nhà nước cạnh tranh vốn với doanh nghiệp, cho nên phải chia ra để giảm bớt áp lực phát hành trái phiếu trong nước để doanh nghiệp có vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh”, đại biểu Ngân bình luận.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, đoàn TP.HCM, cũng đồng tình với phương án phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ công của Chính phủ, nhất là khoản nợ vay trung hạn để đáo hạn.

Theo đại biểu Lịch, việc phát hành trái phiếu quốc tế có ba cái lợi. “Thứ nhất, cơ cấu được nợ dài hạn. Thứ hai, trước mắt chúng ta có nguồn ngoại hối đi vào nhanh để cân đối và trong khi trả nợ thì cả khoản từng năm nấc nhỏ không bị áp lực ngoại hối. Thứ ba, đánh giá độ tín nhiệm Việt Nam thường xuyên trên thị trường thế giới mà lúc này cũng đang có tín nhiệm. Tôi ủng hộ phần này để chúng ta có thể phát hành và cơ cấu lại”, đại biểu Lịch phân tích.

Bình luận về việc Chính phủ sẽ huy động được nguồn vốn với lãi suất rẻ nếu làm nhanh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phân tích hiện nay trái phiếu Chính phủ đang được phát hành với lãi suất khoảng hơn 6% cộng thêm lãi suất chi phí phát hành, biến đổi tỷ giá.

“Chúng ta so sánh lại với trái phiếu đang phát hành hiện nay trong nội địa sẽ thấy được ngay giá đắt hay rẻ”, đại biểu Kiên cho hay.

Đại biểu Kiên phân tích thêm, trong số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi các đại biểu Quốc hội, tỷ giá USD/VND từ năm 2009 là 16.000 đồng/USD, đến thời điểm hiện tại đã lên đến 22.350 đồng/USD. Do vậy, nếu cộng thêm biến đổi tỷ giá thì “chưa chắc đã rẻ”.

Áp lực nợ công và “nút thắt” của luật

Mặc dù đồng tình với phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, nhưng đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến, đoàn Hà Nam lo ngại nợ công đã lên 61,3%GDP. Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Tiến cho rằng năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vay nợ với tổng khối lượng là 436 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi ngân sách là 226 nghìn tỷ đồng, chương trình đầu tư trái phiếu chính phủ là 85 nghìn tỷ đồng, vay đảo nợ khoảng 125 nghìn tỷ đồng.

“Như vậy, khối lượng vay lớn hơn gấp đôi so với khối lượng trả được. Năm 2016, Chính phủ trình Quốc hội bội chi ở mức 4,95%GDP giảm 0,05% so với dự toán năm 2015. Nhưng quy mô nền kinh tế lớn hơn nên con số tuyệt đối là 254 nghìn tỷ đồng, cao hơn năm 2015 là 28 nghìn tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động, đặt gánh nặng lên nền kinh tế và ngân sách nhà nước”, ông Tiến lo ngại.

Đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, bóng đen suy thoái đang hiện hình ở một số nền kinh tế lớn và có khả năng tác động lên toàn cầu. “Nếu nợ công tăng cao quá, gây ra hệ lụy khó lường cho nền kinh tế”, ông nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế không ảnh hưởng tới nợ công. “Giống như bạn đang có khoản nợ này và bạn vay nơi khác để trả khoản nợ cũ thì không làm tăng tổng nợ của bạn lên. Còn trong trường hợp điều chỉnh tỷ giá thì nó sẽ bù vào chênh lệch lãi suất chứ không ảnh hưởng tới nợ công”, đại biểu Ngân phân tích.

Tuy nhiên, đại biểu Ngân cũng thừa nhận việc phát hành ra thị trường quốc tế là có rủi ro về mặt tỷ giá nhưng không lớn. Vấn đề cần phải xem Chính phủ sẽ lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu thế nào, lãi suất thả nổi hay lãi suất cố định.

“Nhưng tôi cho rằng rủi ro tỷ giá không nhiều vì mình đang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá đang giữ ổn định. Mình phải có niềm tin, nếu không có niềm tin thì mình sao phát hành trái phiếu ra nước ngoài được”, đại biểu Ngân bình luận.

Đặt tình huống Fed điều chỉnh tăng lãi suất, theo đại biểu Ngân, nếu có thì mức điều chỉnh chỉ ở 0,25 – 0,5%. “Nhưng theo xu hướng trong vòng 2 – 3 năm tới lãi suất USD điều chỉnh khoảng 2%. Nếu 2 năm sau Mỹ tăng lãi suất USD lên 2% thì trái phiếu mình cũng đã phát hành rồi”, đại biểu Ngân phân tích.

Ở góc nhìn pháp lý, đại biểu Kiên, cho hay hiện nay Luật quản lý nợ công và Nghị quyết 78 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII thông qua quy định không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ trong nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

“Chúng ta là cơ quan lập pháp nên chúng ta làm việc phải theo luật. Đề nghị các đại biểu khi nghiên cứu cũng nên lưu ý cái mà chúng ta đã bấm nút thông qua”, ông Kiên nói.

 “Vấn đề nữa là không phải ta đi vay rồi ta thích trả lúc nào thì trả”, ông Kiên lưu ý, đồng thời đề nghị “về mặt nguyên tắc đất nước cần thì chúng ta sẽ làm nhưng làm phải tuân theo luật”.

Về ý kiến của đại biểu Kiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nói thêm việc phát hành trái phiếu này sẽ không có cơ sở pháp lý.

“Nếu vướng Luật quản lý nợ công thì chúng ta phải xử lý bằng một nghị quyết của Quốc hội”, Phó chủ tịch Quốc hội làm rõ thêm.
 
>> Nợ công lên tới 2,7 triệu tỷ đồng: "Đóng băng" bội chi ngân sách
>> Nợ công Việt Nam đã vượt 93 tỷ USD?

Theo Minh Huệ (BizLIVE.vn)