Kinh tế

Parkson đóng cửa sát Tết, tiểu thương thiệt hại nặng nề

Sự việc Parkson Landmark yêu cầu các đơn vị kinh doanh dọn hàng ra ngoài trong thời gian gấp khiến nhiều người bức xúc, do phải chịu hậu quả nặng nề.

Sự việc Parkson Landmark yêu cầu các đơn vị kinh doanh dọn hàng ra ngoài trong thời gian gấp khiến nhiều người bức xúc, do phải chịu hậu quả nặng nề.

“Cả năm doanh thu thường phụ thuộc phần lớn vào 2 tháng giáp Tết. Nhưng sự việc xảy ra như hiện giờ, phía Parkson thông báo tạm đóng cửa đến 7/1, khiến cửa hàng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ngày”.
 

Tiểu thương phải chuyển đồ gấp trong đêm. Ảnh: Lê Hiếu. 

 
Chị Chi Anh, Giám đốc hệ thống Kitchen Art cho biết, đã ký hợp đồng và nộp tiền đặt cọc mặt bằng cho công ty Family- đơn vị được Parkson ủy quyền cho thuê mặt bằng tại đây. Tuy nhiên, quầy hàng chưa kịp chuyển đến thì đã gặp sự cố này. Chị đã liên hệ qua email với công ty Family và nhận được thư phản hồi hứa sẽ trả lại khoản đặt cọc trong tuần tới. Theo chị, như vậy vẫn chưa thỏa đáng, bởi ngoài số tiền đã nộp theo hợp đồng, chị đã và đang phải chi trả một khoản cực kỳ lớn cho quảng cáo, thuê nhân viên cũng như chi phí chuẩn bị lễ khai trương quầy hàng như kế hoạch trước đó.
 
Anh T., quản lý 3 quầy hàng nội thất tại Parkson này cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, anh cùng với 8 người khác phải bay gấp từ Sài Gòn ra Hà Nội ngay trong đêm ngày 2/1. Trong khi nhiều quầy hàng, đồ đạc vẫn lưu lại Parkson thì anh T. phải điều gần 10 công nhân để gấp rút vận chuyển đồ ra ngoài theo yêu cầu của tòa nhà. Lý do vận chuyển gấp do hàng hóa là những đồ đắt tiền, nếu lưu lại trong Parkson không biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Trước mắt, tất cả hàng hóa sẽ được chuyển về kho để lưu trữ và bảo quản, nhằm giữ chắc được vốn ban đầu, tránh rủi ro.
 

Parkson Landmark đóng cửa đột ngột, nhiều đơn vị kinh doanh kêu thiệt hại nặng nề. Ảnh: Ngọc Lan. 

 
Theo anh T., trước khi sự việc xảy ra, quầy hàng vẫn hoạt động vẫn bình thường và cũng không có khúc mắc giữa bên cho thuê cũng như chủ đầu tư. Tuy nhiên, so sánh giữa Parkson ở Thái Hà thì doanh thu bên Keangnam (Phạm Hùng) thấp hơn hẳn. Công ty cũng đang có ý định đóng cửa bớt 1 gian hàng tại đây, song sự việc xảy ra quá nhanh khiến ban giám đốc không kịp xoay sở. 2 ngày này, giám đốc người Nhật đang làm việc với đơn vị cho thuê mặt bằng tại Parkson, nhưng chưa có thông tin gì mới.

Chị N.A, chủ một quầy hàng tại Parkson may mắn vừa hết hạn hợp đồng từ ngày 31/12/2014 và chưa kịp ký lại, không mất khoản tiền theo hợp đồng mới. Tuy nhiên, do đơn vị cho thuê mặt bằng có yêu cầu dọn hàng đột ngột và gấp gáp nên cửa hàng bị thất thoát khá nhiều. Trong quá trình vận chuyển cũng không tránh khỏi thiệt hại. Hơn thế nữa, chị N.A cũng mất một khoản không nhỏ để thuê người, xe vận chuyển. Trong khi đó, hiện giờ bên phía Parkson vẫn chưa có phản hồi gì. 

Lý giải về việc đóng cửa đột ngột trung tâm thương mại, công ty TNHH Parkson Hà Nội cho rằng, kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra, thậm chí thua lỗ, khiến đơn vị này buộc phải đóng cửa các quầy hàng tại tòa nhà cao nhất Việt Nam. Ngoài ra, trong thông báo gửi tới các chủ quầy hàng ngày 2/1, ghi: "Trong thời gian này, nếu quý đối tác có yêu cầu bất kỳ sự hỗ trợ nào, xin vui lòng liên hệ chúng tôi hoặc Trưởng phòng kinh doanh phụ trách quầy hàng của quý đối tác”.

Theo một vài tiểu thương tại Parkson, họ đang liên kết lại để tiến hành đề nghị đối thoại với Parkson và Keangnam Landmark, hi vọng được giải quyết trong “hòa bình” trước khi nhờ đến pháp luật can thiệp. 
 
>> Parkson Landmark Hà Nội đóng cửa, Parkson Đà Nẵng lặng yên
>> Trung tâm Parkson ở Keangnam Landmark thực chất đang gặp chuyện gì?

Theo Diệp Sa - Ngọc Lan (Zing.vn)