Kinh tế

Ông Trần Hoàng Ngân: Bội chi có thể vượt trần vì GDP tăng thấp

Kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ, thu ngân sách giảm... khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP cả năm 2016 khó đạt 6,7% như mục tiêu đề ra.

 
Kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ, thu ngân sách giảm... khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP cả năm 2016 khó đạt 6,7% như mục tiêu đề ra.

- Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%. Như vậy, để đạt mục tiêu tăng 6,7% của cả năm thì nửa cuối năm GDP phải đạt 7,6%, tăng hơn 2 điểm phần trăm so với nửa đầu năm. Ông nhận định thế nào?

Với tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và tình hình, bối cảnh kinh tế hiện nay tôi cho rằng năm nay khó đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng chúng ta chấp nhận thấp năm nay để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.

ong-tran-hoang-ngan-boi-chi-co-the-vuot-tran-vi-gdp-tang-thap

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

Còn những tác động gần đây đối với GDP trong 6 tháng thấp thì có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể là tổng cầu nền kinh tế thế giới đang suy giảm. Ngay cả dự báo nền kinh tế thế giới đầu năm là 3,6%, bây giờ IMF đưa ra tăng trưởng mới chỉ là 3,1%.

Hay việc Anh rút khỏi liên minh châu Âu đã tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta là nền kinh tế có độ mở lớn, chính vì vậy bên ngoài khó khăn sẽ tác động ngược lại trong nước, do đó GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp.

Việc tác động của biến đổi khí hậu về mặt thiên tai, khiến thời gian qua ngành nông nghiệp suy giảm, công nghiệp tăng trưởng thấp càng góp phần ảnh hưởng tới GDP.

Tuy nhiên, trong một báo cáo vừa công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dù hạ dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm 2016 của Việt Nam về mức 6%, nhưng WB cũng bày tỏ sự lạc quan về viễn cảnh kinh tế trung và dài hạn của Việt Nam. Điều đó có nghĩa, để duy trì tốc độ tăng trưởng thì chúng ta cần phải tiếp tục tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng năng suất lao động.

- Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ vừa qua, đề cập tới mức tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự lo lắng nếu chỉ số này tiếp tục tăng thấp trong 6 tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công… Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Theo mục tiêu đề ra thì bội chi ngân sách dự kiến khoảng 5%, nhưng nếu GDP giảm thì số tương đối về bội chi GDP sẽ không đạt được mục tiêu đề ra và ảnh hưởng đến mức trần giới hạn.

Còn về nợ công, đúng là có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng khi nợ công đang tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ vỡ các giới hạn và duy trì các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cũng là thách thức đặt ra cho Chính phủ. 

Nhưng tôi tin là Chính phủ và Quốc hội sẽ giám sát việc này để không vượt qua mức trần mà Quốc hội cho phép (quá 65%), theo dự kiến thì nó sẽ áp tới mức 64%.

Điều mà Quốc hội cần thống nhất và quyết liệt, là khi đã đưa ra chỉ tiêu giới hạn đó thì Chính phủ không được quyền vượt qua giới hạn này. Quốc hội giám sát kỹ và các thành viên Chính phủ phải ý thức rằng khi đụng đến đây thì tất cả các khoản chi phải dừng lại. Chúng ta phải mạnh mẽ như vậy trong việc quyết định mức chi ngân sách Nhà nước và tôi cũng tự tin bội chi sẽ nằm trong giới hạn và không vượt quá 65% GDP.

- Ngoài sự quyết tâm thì cơ sở nào để ông tin mức bội chi, nợ công sẽ không phá vỡ trần?

Yếu tố niềm tin thể hiện rất nhiều, đơn cử như đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh, hoặc qua việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong 6 tháng không ngừng tăng lên. Điều đó thể hiện trong việc giao dịch chứng khoán và chỉ số VN-Index tăng lên trong 6 tháng đầu năm.

Đặc biệt, việc Chính phủ và các thành viên gặp gỡ, cam kết với doanh nghiệp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đẩy yếu tố niềm tin đi lên, giúp cải thiện về trung hạn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước theo lộ trình kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mở rộng số lượng và lĩnh vực thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn

Tôi nhắc lại, về yếu tố niềm tin của thị trường đối với bộ máy vận hành của Chính phủ, hiện chúng ta đang đi đúng hướng. Vì vậy, chúng ta hãy tự tin hơn, đồng thuận hơn trong việc làm minh bạch hóa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn không chỉ của nước ngoài mà kể cả khu vực dân doanh, vì nguồn lực ngân sách Nhà nước đã đến mức tối đa rồi.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)