Kinh tế

Ông Trần Bắc Hà đã 'vi phạm rất nghiêm trọng' ra sao trong việc cho vay 4.700 tỷ đồng?

Cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với 12 công ty với tổng số tiền 4.700 tỷ đồng.

Ông Trần Bắc Hà đã 'vi phạm rất nghiêm trọng' ra sao trong việc cho vay 4.700 tỷ đồng?
Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV.

Những vi phạm của lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) trong việc phê duyệt cho vay 4.700 tỷ đồng được nêu rõ trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2. Hiện vụ án này được trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Theo bản kết luận điều tra bổ sung số 37 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công An ngày 24/4/2018, vụ án không phát sinh tình tiết mới nên cơ quan CSĐT Bộ Công an giữ nguyên quan điểm xử lý trước đây đối với các đối tượng liên quan tại BIDV.

Trước đó, cáo trạng vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 nêu, khi thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB), do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên vào tháng tháng 9/2013, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch VNCB đến BIDV tại Hà Nội gặp lãnh đạo BIDV hội sở chính (Danh khai gặp ông Đoàn Ánh Sáng - Phó tổng giám đốc BIDV) đặt vấn đề về việc ông Danh giới thiệu sang BIDV cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD), trường hợp khách hàng không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định.

Sau khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý thống nhất với Danh về việc BIDV xem xét cho vay, Danh về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, công ty cung cấp VLXD đầu vào trong số các công ty do Danh thành lập; lập khống hồ sơ vay vốn, gồm lập hồ sơ tài chính 2012, phương án vay vốn, các hợp đồng mua bán VLXD đầu vào đầu ra… để nộp cho BIDV hội sở chính và các chi nhánh sẽ trực tiếp cho vay.

Ông Danh quyết định dùng tài sản đảm bảo gồm 6 lô đất Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng; đất tại số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay và được BIDV chấp thuận giải ngân cho vay với tổng số tiền 4.700 tỷ đồng.

Ngày 10/9/2013, ông Phan Thành Mai, Phó tổng giám đốc VNCB ký văn bản giới thiệu và đề nghị BIDV xem xét cho 12 công ty vay vốn. Ông Mai Hữu Khương nộp hồ sơ vay vốn ban đầu của 12 công ty gửi cho BIDV hội sở chính.

Ngày 11 và 18/9/2013, ban Khách hàng doanh nghiệp (KHDN) thuộc hội sở chính lập 12 tờ trình về việc phê duyệt chủ trương cho vay mua VLXD theo mô hình 4 nhà đối với 12 khách hàng, trình ông Đoàn Ánh Sáng xem xét phê duyệt. Ông Sáng phê duyệt và chỉ đạo tại 12 tờ trình là đồng ý, xin chủ trương Phó TGĐ Trần Lục Lang và Tổng giám đốc. Ủy quyền cho giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng.

Sau khi ban KHDN có tờ trình được Phó TGĐ phụ trách phê duyệt, hồ sơ vay và tờ trình của ban KHDN được chuyển đến Ban quản lý rủi ro (QLRR) tín dụng thẩm định nội dung theo quy trình. Ban QLRR tiếp tục nhận hồ sơ vay, soạn thảo tờ trình về việc phê duyệt chủ trương cho vay mua VLXD đối với 12 khách hàng vào ngày 18 và 19/9/2013, trình ông Trần Lục Lang, Phó TGĐ phụ trách.

Tờ trình trên của Ban QLRR được ông Lang ký duyệt và trình Ủy ban QLRR để xem xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền. Ủy ban QLRR không tiến hành họp mà lấy ý kiến của từng thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban QLRR, sau đó tổng hợp ý kiến của từng thành viên về khoản vay của từng công ty. Kết quả có 5/6 thành viên được xin ý kiến đồng ý quyết định phê duyệt chủ trương cho vay và 1 thành viên chưa gửi ý kiến do đi công tác.

Căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban QLRR, ngày 3/10/2013, ông Trần Bắc Hà – Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban QLRR của BIDV ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua VLXD theo mô hình 4 nhà đối với 12 công ty.

Cùng ngày, ông Trần Lục Lang ký 12 công văn gửi 4 chi nhánh và ban KHDN về việc giao các chi nhánh, nội dung cơ bản là Hội sở chính chấp thuận chủ trương cho vay, giao các chi nhánh tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án kinh doanh có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi; hoàn tất các thủ tục thế chấp tài sản bảo đảm theo quy định.

Từ ngày 29/10 đến 28/11/2013, các chi nhánh của BIDV gồm Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2 và Nam Sài Gòn đã giải ngân cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng vào tài khoản 4 công ty cung cấp VLXD đầu vào gồm công ty Hương Việt, Quốc Thắng, Thịnh Quốc và Thiên Trang Phạm (đều do Danh thành lập) theo ủy nhiệm chi của 12 công ty vay vốn với mục đích thanh toán tiền mua nguyên vật liệu.

Số tiền 4.700 tỷ đồng cuối cùng được chuyển khoản vào tài khoản của VNCB tại Agribank CN Tân Phú. Số tiền này ông Danh khai dùng chủ yếu vào mục đích tăng vốn VNCB theo đề án NHNN duyệt từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, trả nợ cũ, chăm sóc khách hàng, trả lãi BIDV.

Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa VLXD và phối hợp để BIDV tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhưng các công ty không cung cấp với lý do chưa giao nhận hàng hóa. Thực tế, sau khi vay 4.700 tỷ đồng của BIDV, các công ty vay vốn đều không kinh doanh theo phương án vay nợ nên không có hóa đơn, chứng từ gì kinh doanh VLXD, hồ sơ vay vốn là khống hoàn toàn.

Trên cơ sở đề nghị của VNCB, ngày 5/5/2014 các chi nhánh BIDV có văn bản gửi Trung tâm dịch vụ khách hàng và Ban kinh doanh vốn và tiền tệ hội sở đề nghị giải chấp các hợp đồng tiền gửi của VNCB và thực hiện chuyển tiền theo chỉ dẫn của VNCB.

BIDV đã tất toán 21 hợp đồng tiền gửi chuyển toàn bộ 3.070 tỷ đồng tiền gốc và lãi và tài khoản của VNCB mở tại BIDV. Đồng thời VNCB có ủy nhiệm chi chuyển tiền đến tài khoản 12 công ty vay vốn để trả nợ BIDV số tiền hơn 2.550 tỷ đồng từ nguồn tiền gửi và các bên ký biên bản thanh lý hợp đồng.

Đến ngày 5/5/2016, các chi nhánh của BIDV đã thu gốc và lãi gồm gần 4.700 tỷ đồng tiền gốc, hơn 226 tỷ đồng tiền lãi, hơn 1,5 tỷ đồng lãi phạt.

Kết quả giám định về sai phạm, thiệt hại

Kết luận giám định số 3912 ngày 27/5/2016 và kết luận giám định bổ sung số 8671 ngày 11/11/2016 của Đoàn giám định NHNN đã kết luận sai phạm của BIDV trong quá trình thẩm định, xét duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố, bảo lãnh, giải ngân, kiểm tra sau giải ngân như sau:

Về điều kiện vay vốn của khách hàng: việc BIDV xem xét và quyết định cho vay khi chưa có đủ cơ sở để xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, có phương án khả thi và hiệu quả là chưa thực hiện đầy đủ về điều kiện cho vay đối với khách hàng theo quy định tại khoản 3 và 4, điều 7, Quyết định 1627.

Về việc nhận tài sản đảm bảo của khách hàng: BIDV xem xét và quyết định cho vay đối với khách hàng khi khách hàng chưa thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp (lô số 13 và 14 Khu phức hợp TMDV cao tầng tại SVĐ Chi Lăng – Tài sản bên thứ ba là công ty Toàn Tâm và Trung Dung) là chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay theo quy định tại khoản 5, điều 7, Quyết định 1627.

Việc BIDV xem xét và quyết định cho vay đối với các công ty khi khách hàng và VNCB chưa thực hiện đảm bảo tiền vay đúng theo quy định về bảo lãnh là thực hiện chưa đầy đủ về điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định tại khoản 5, điều 7, Quyết định 1627.

Về kiểm tra sau cho vay: việc BIDV, chi nhánh Sở giao dịch 2 chỉ có văn bản yêu cầu khách hàng vay vốn cung cấp chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn và sắp xếp để ngân hàng kiểm tra sau cho vay không kiểm tra sau cho vay với khách hàng là chưa thực hiện đúng quy định tại điều 21, Quyết định 1627 (đã được sửa đổi tại khoản 5, điều 1, Quyết định 127), khoản 3 điều 94 Luật các TCTD 2010.

Kết quả giám định về thiệt hại: kết luận giám định bổ sung số 7405 ngày 10/10/2016, số 1637 và số 2391 ngày 5/4/2017 của Đoàn giám định NHNN đã khẳng định việc BIDV thu nợ là phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh. Việc bảo lãnh của VNCB cho 12 công ty vay vốn tại BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 2.550 tỷ đồng.

Theo kết luận mới nhất của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Theo Huyền Trâm (Bizlive.vn)