Kinh tế

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đầu tư nhà ga T4 Tân Sơn Nhất

4 doanh nghiệp lớn đã gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải xin đề nghị đầu tư xây mới nhà ga T4 sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có công ty của  ông Johnathan Hạnh Nguyễn. 

4 doanh nghiệp lớn đã gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải xin đề nghị đầu tư xây mới nhà ga T4 sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có công ty của  ông Johnathan Hạnh Nguyễn. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đầu tư nhà ga T4 Tân Sơn Nhất


Đối với khu nhà ga hành khách, hệ thống nhà ga hành khách hiện hữu vẫn được sử dụng với công suất khoảng 28 triệu khách một năm và xây dựng bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách một năm, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách lên 43-45 triệu khách mỗi năm.

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và tự ứng vốn, thu xếp vốn đầu tư đối với hệ thống đường cất, hạ cánh và đường lăn. Vốn sẽ được hoàn từ vốn nhà nước.

Đón đầu dự án nhà ga T4, hiện nay đã có 4 nhà đầu tư đã gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải đề nghị đầu tư, gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP), Liên danh Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng và Công ty CP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (Liên danh AHT-TJC), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty CP Hàng không Vietjet. 

Trong danh sách nói trên, Tập đoàn IPP là một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hiện là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh và là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP cũng vừa được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của SASCO. Năm 2015, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề nghị Bộ GTVT được mua  hoặc chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc.

Bày tỏ mong muốn được “góp công sức cùng Chính phủ, Bộ Giao thông và TP HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải cấp thiết của Tân Sơn Nhất”, IPP đề xuất được cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4 theo đúng quy hoạch và chủ trương được duyệt, đồng thời cam kết hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công dự án. 

Liên danh AHT-TJC là đơn vị thực hiện dự án đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa đầu tiên của ngành hàng không với công trình nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng. Liên danh này đặt mục tiêu thi công dự án trong khoảng 16 tháng, rút ngắn hơn một nửa thời gian so với các dự án thông thường.

Hai hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng muốn tham gia đầu tư dự án nhằm giúp doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ dây chuyền khai thác, vận chuyển hàng không, nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. 

Phía Cục Hàng không, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa thể quyết định ACV sẽ trực tiếp đầu tư hay theo mô hình hợp tác đầu tư với một liên danh khác. Tuy nhiên, dù có theo hình thức hợp đồng nào thì nhà đầu tư vẫn phải tuân thủ theo Luật Hàng không và Luật Giá. 

Năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 32 triệu lượt khách trong khi công suất thiết kế là 25 triệu lượt hành khách thông quan. Dự kiến, năm 2017 sẽ có trên 35 triệu lượt hành khách qua cảng hàng không này. 

Theo một số chuyên gia hàng không, tăng trưởng hành khách của Tân Sơn Nhất dự báo đạt trung bình từ 15% mỗi năm trở lên, do đó, hiệu suất khai thác của nhà ga T4 là rất cao và có khả năng sinh lời ngay cả khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đi vào hoạt động. 

Theo Anh Duy (VnExpress.net)