Kinh tế >> Khóc cười với giá vàng

Nỗi lo sợ từ Donald Trump, vàng tăng lên 40 triệu/lượng

Giá vàng thế giới trong vài phiên gần đây tăng khá nhanh và bứt phá lên một ngưỡng quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc bất ngờ đẩy mạnh mua vàng để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra.

Ồ ạt mua vàng

Theo Bloomberg, số liệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa bất ngờ nâng dự trữ vàng trong tháng 3 lên 60,62 triệu ounce, từ mức 60,26 triệu ounce một tháng trước đó. Đây là mức tăng đáng kể, tháng thứ 4 tăng liên tiếp của NHTƯ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Như vậy, PBOC đã mua vào 11,2 tấn vàng trong tháng 3/2019 và trước đó là mua ròng tổng cộng hơn 30 tấn trong 3 tháng kể từ tháng 12/2018.

Với động thái khá bất ngờ của Trung Quốc, giới đầu tư cho rằng lực mua bắt đáy sẽ tăng mạnh theo động thái của một trong những “tay chơi” lớn trên thị trường vàng quốc tế. Dự báo này còn được hỗ trợ bởi khả năng ngân hàng trung ương các nước khác cũng có cái nhìn tích cực đối với vàng. Đây là dấu hiệu cho một triển vọng dài hạn sáng sủa đối với mặt hàng kim loại quý.

Theo Kitco, trong 2 tháng đầu năm 2019, ba ngân hàng trung ương có hoạt động mua vàng tích cực nhất là Kazakhstan, Nga và Trung Quốc đã đẩy mạnh mua vàng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 27%, tương đương mức vàng mua thêm tăng 13 tấn. 

Nỗi lo sợ từ Donald Trump, vàng tăng lên 40 triệu/lượng
Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng.

Một tín hiệu đáng quan tâm là ngân hàng trung ương các nước đang có xu hướng giảm tỷ trọng dự trữ ngoại hối bằng đồng USD, thay vào đó là vàng. Tổng dự trữ ngoại hối bằng đồng USD của tất cả ngân hàng trung ương các nước trên thế giới hiện xuống dưới ngưỡng 62%. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, đây là quý giảm thứ 3 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Trong khi đó, các quỹ ETF trên thế giới tích lũy tổng cộng 800 ngàn ounce vàng trong tháng 3/2019, khiến tổng mua bán vàng của các quỹ này chuyển sang hướng mua ròng.

Trên thực tế, nhu cầu mua vàng từ “tay chơi” lớn đã xuất hiện từ năm ngoái. Ngân hàng trung ương các nước đã đẩy mạnh mua vàng từ 2018. Nước Nga đã mua vào hơn hơn 270 tấn trong năm vừa qua. Năm 2018 Trung Quốc cũng mua vàng trở lại sau 2 năm đứng ngoài cuộc chơi.

Tính chung, trong năm 2018, theo Bloomberg, chính phủ các nước đã mua vào tổng cộng 651,5 tấn vàng, mức cao thứ 2 trong lịch sử. Nga đã tăng gấp 5 lần dự trữ trong vòng một thập kỷ trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin muốn phá vỡ sự phụ thuộc của nước này vào đồng USD.

Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR gần đây cũng đẩy mạnh mua vàng và có nhiều thời điểm không công bố số lượng vàng nắm giữ, một động thái thường xảy ra khi quỹ này gom vàng.

Vàng sẽ vào thị trường “bò tót”

Không chỉ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng mua vàng sau khi giảm mua vào nửa đầu năm 2018. Nhu cầu vàng tại Ấn Độ vẫn ở mức cao và được dự báo sẽ tăng trong năm 2019 khi đồng ruppee ổn định hơn. Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng nhiều thứ hai thế giới. Trong một thập kỷ qua, nhu cầu vàng tại nước này đạt trung bình 840 tấn/năm.

Theo dự báo của WGC, nhu cầu vàng tại vùng nông thôn Ấn Độ sẽ cải thiện trong thời gian tới. Khoảng 70% nhu cầu của Ấn Độ đối với vàng đến từ các khu vực nông thôn, nơi vàng và trang sức luôn được xem là tài sản tích trữ. 

Trên Kitco News, chiến lược gia hàng hóa Nicky Shiels từ Ngân hàng Scotiabank nhận định vàng sẽ vượt ngưỡng 1.350 USD/ounce với nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sức cầu vàng như một kênh trú bão an toàn tránh các rủi ro địa chính trị, từ một đồng USD yếu và những bất ổn như Brexit tại Anh hay các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Nỗi lo sợ từ Donald Trump, vàng tăng lên 40 triệu/lượng - 1
Giá vàng được dự báo tăng.

Gần đây, nhiều dự báo cho rằng, sau khi vượt mốc 1.300 USD/ounce, vàng sẽ bước vào thị trường con bò tót (bull market). Điều này nhiều khả năng thúc đẩy nhu cầu vàng gia tăng đồng thời kích hoạt các lệnh mua tự động trong dài hạn.

Với động thái của Trung Quốc, giới đầu tư dự báo lực mua bắt đáy sẽ tăng mạnh. Dự báo này còn được hỗ trợ bởi khả năng ngân hàng trung ương các nước cũng có cái nhìn tích cực đối với vàng. Đây là dấu hiệu cho một triển vọng dài hạn sáng sủa đối với mặt hàng kim loại quý.

Vàng tăng giá còn do đồng USD giảm sau khi có số liệu tăng trưởng tiền lương ở Mỹ đã chậm lại trong tháng trước và mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu cũng tăng giá mạnh và lên mức cao nhất 5 tháng.

Trong một dự báo gần đây trên Kitco, Giám đốc Công ty Metalla Royalty & Streaming E.B. Tucker cho rằng, năm 2019 sẽ chứng kiến sự khởi đầu của một chu kỳ tăng giá mới của vàng. Vàng sẽ tăng giá khoảng 22%, vượt mọi loại tài sản khác và lên 1.500 USD/ounce (khoảng 42 triệu đồng/lượng).

Theo ông Tucker, kể từ năm 2000 tới nay thế giới đã có 3 chu kỳ tăng giá lớn của vàng và thị trường sắp có một chu kỳ tăng giá khác với đỉnh chu kỳ có thể đạt đỉnh 1.900 USD/ounce (khoảng 53 triệu đồng/lượng).

Tuy nhiên, đỉnh 1.900 USD/ounce sẽ không xảy ra trong năm nay.

Nhiều nhà đầu tư gần đây đặt câu hỏi, liệu sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, vàng sẽ sớm lấp lánh trở lại? Giới đầu tư có dấu hiệu chán nản với nhiều loại tài sản có dấu hiệu hình thành bong bóng như đồng tiền Bitcoin, chứng khoán,...

Không những thế, một số loại tài sản được xem là an toàn khác như đồng Yên của Nhật, Franc của Thụy Sỹ, trái phiếu của Mỹ... cũng đã bắt đầu phát ra nhiều tín hiệu rủi ro.

Một số ngân hàng lớn trên thế giới như Merrill Lynch của Mỹ hay ABN Amro của Hà Lan đều dự báo vàng sẽ tăng giá mạnh và chạm mức cao 1.400 USD/ounce trong năm 2019. Đại diện của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường vàng trong năm 2019 khi các nhà đầu tư có ít tài sản phòng thủ hơn để lựa chọn. Trong khi những bất ổn kinh tế và địa chính trị dự kiến sẽ tạo ra biến động thị trường tài chính.

Theo Cẩm Hoà - Mạnh Hà (VietNamNet)