Kinh tế

Nội chiến trong gia đình sở hữu Formosa

Mâu thuẫn ngày càng tăng trong nội bộ gia đình khiến Wang Yung Ching chưa thể quyết định di chúc trước khi chết, và tạo ra cơn sóng gió về việc tranh chấp khối tài sản của ông.

Mâu thuẫn ngày càng tăng trong nội bộ gia đình khiến Wang Yung Ching chưa thể quyết định di chúc trước khi chết, và tạo ra cơn sóng gió về việc tranh chấp khối tài sản của ông.

Trong những năm 1930, khi Nhật Bản đô hộ Đài Loan, Yung Ching đã mở một tiệm bán gạo từ số vốn ít ỏi của cha. Năm đó ông 15 tuổi. Khi chiến tranh kết thúc, người đàn ông này mạo hiểm đầu tư vào thị trường gỗ và thành công. Những năm 1950, được sự giúp đỡ của chính phủ Đài Loan cùng một khoản trợ cấp của Mỹ, Yung Ching bước vào ngành công nghiệp nhựa và bắt đầu lịch sử của tập đoàn Formosa. Với sự khôn ngoan và kiên trì, ông trở thành một tỷ phú quyền lực.

Theo Inquirer, Yung Ching thường làm việc hơn 100 giờ một tuần và gặp các nhà quản lý hàng ngày, kể cả cuối tuần. Ông cũng yêu cầu các nhân viên cống hiến tương tự cho công ty. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể theo kịp nhịp độ làm việc đó. Một số mắc hội chứng rối loạn thần kinh gọi là "hội chứng Formosa". Tập đoàn cũng vướng vào các vụ bê bối như hối lộ, ô nhiễm và các vấn đề về sự an toàn, lao động và môi trường.

Gia đình rạn nứt
 
Noi chien trong gia dinh so huu Formosa hinh anh 1
Winston, con trai cả của Wang Yung Ching, tách khỏi công việc kinh doanh của gia đình sau vụ bê bối với nữ sinh.

Không chỉ nhân viên của Formosa, gia đình tỷ phú họ Wang cũng chịu nhiều áp lực vì yêu cầu của Yung Ching. Năm 1935, ông kết hôn cùng Yueh Lan. Tuy nhiên, khi bà không thể sinh con, ông đưa tình nhân Wang Chiao Yang về nhà. Hai người phụ nữ sống thân thiện dưới một mái nhà tại thành phố Đài Bắc. Người tình nhân thứ nhất sinh cho ông 5 người con: Winston, Margaret, Cher và Walter.

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên phức tạp sau khi Yang Ching đưa người tình nhân thứ 2 - Lee Pao Chu về nhà. Bà này là một tiếp viên tại quán bar và sinh cho ông thêm 4 người con: Susan, Diana, Lora và Sandy. Tình trạng căng thẳng luôn xảy ra giữa 2 bà vợ đầu với người phụ nữ thứ 3.

Trong những năm 1980, dù Yung Ching vẫn khỏe mạnh và em trai Wang Yung Tsai nắm quyền điều hành thứ 2, câu hỏi về người thừa kế là vấn đề không thể tránh.

Thế hệ tiếp theo được đào tạo trong những trường đại học hàng đầu, đặc biệt là Winston - con cả của Yung Ching - và William - con trai của Yung Tsai. Yung Ching đối xử dường như không phân biệt giữa các con. Cher, con gái bà 2, đứng đầu một công ty máy tính sinh lời còn Susan, con gái của bà 3, chịu trách nhiệm về các nhà máy nhựa tại Mỹ.

Tuy nhiên, các rắc rối đã âm ỉ cháy. Những đứa con của tỷ phú họ Wang không hài lòng với cách quản lý của người cha. Cher cố tình chọn bước vào ngành công nghiệp máy tính chỉ bởi cha cô không biết gì về nó. Trong khi đó, Walter - con trai bé của ông - cho rằng anh sẽ là người chèo lái một chi nhánh khi sự chuyển giao quyền lực diễn ra. Vì vậy, anh chuyển sang văn phòng của người đứng đầu nhưng cha anh đã buộc anh phải rời khỏi đó.

Năm 1995, khi Winston, người thừa kế chính thức, dính vào bê bối khi quan hệ ngoài luồng với một sinh viên tốt nghiệp Đại học Đài Loan. Anh bị điều sang Mỹ trong một năm. Khi trở về, anh bị gia đình xem như một người con bất hiếu.

Đối với các bậc phụ huynh ở đất nước anh, đó là một hành vi ngỗ nghịch và Winston rời khỏi công việc kinh doanh của gia đình. Anh tách riêng và sáng lập ra công ty công nghiệp Grace THW cùng năm đó.

Nội chiến gia đình

Mối quan hệ gia đình bị rạn nứt là điều mà tỷ phú họ Wang không thể phủ nhận. Khi ông qua đời vào năm 2008 mà không lập di chúc, nội chiến gia đình đã xảy ra khốc liệt hơn.

Yueh Lan, người vợ hợp pháp duy nhất, khởi kiện chống lại nhánh của bà 3, Pao Chu, để bảo vệ những gì mà bà tin là thuộc về bà. Trong vụ việc này, Winston ủng hộ "mẹ cả" khi cũng đệ đơn kiện nhánh của "mẹ 3".

Năm 2012, Yueh Lan qua đời. Winston quyết định chôn cất "mẹ cả" trong cùng phần mộ với cha anh. Tuy nhiên, người vợ thứ 3 của Yung Ching và các con của bà phản đối quyết định này.

Theo China Post, con trai cả của Yung Ching phản bác và tuyên bố, bà Pao Chu và 4 cô con gái của bà không được liệt trong gia phả của gia đình. Gia phả mà anh nhắc đến được lập bởi Yung Ching và Yung Tsai vào năm 1967. Những người có tên trong gia phả gồm "mẹ cả", bà 2 cùng con trai và con gái của họ. Ngoài ra còn có gia đình Yung Tsai.

Winston khẳng định, gia phả này sẽ không bao giờ thay đổi. Chia sẻ về lý do, người đàn ông này cho biết, đó là ý kiến của bà nội anh. "Ngay cả cha tôi cũng không dám trái ý của bà", anh nói.

Việc chôn Yueh Lan và Yung Ching cùng nhau là tuân theo truyền thống của gia đình, vợ chồng mai táng cùng một chỗ. Đó cũng là ước nguyện của "mẹ cả", người con trai cả nói. Theo anh, "mẹ cả" là người duy nhất được chôn cùng cha anh.

Ngoài ra, Winston bày tỏ, anh sẽ không từ bỏ cơ hội quay lại tập đoàn do cha anh sáng lập. Trước đó, năm 2011, anh đệ đơn kiện để giành lại toàn bộ tài sản của người cha quá cố, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của gia đình bà 3. Cuối cùng, Winston thắng kiện và giành quyền kiểm soát số tài sản 4 tỷ USD mà Yung Ching để lại.

Hiện tại, quyền điều hành Formosa Plastics Group vẫn nằm trong tay nhà họ Wang. Tuy nhiên, chủ tịch tập đoàn là Jason Lin.

Theo Kim Ngân (Zing.vn)