Kinh tế

Những thị trường Uber từng 'tháo chạy' giờ ra sao?

Đông Nam Á không phải là thị trường duy nhất mà Uber phải từ bỏ. Kịch bản hãng xe công nghệ này bị đối thủ cạnh tranh mua lại đã từng xảy ra nhiều lần với Uber.

Tại những thị trường mà Uber bỏ lại, liên doanh mới thường quá mạnh để các ứng dụng gọi xe khác khó có thể cạnh tranh.

Ngày 26/3, Grab ra thông báo đã mua lại toàn bộ mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Uber sẽ hoạt động đến ngày 8/4, sau đó rút lui và đổi lấy 27,5% cổ phần tại Grab.

Didi Chuxing thống trị, tăng giá tại Trung Quốc

Ngày 1/8/2016, Didi Chuxing khiến giới quan sát bất ngờ, khi tuyên bố đã mua lại toàn bộ mảng hoạt động của Uber tại Trung Quốc, nâng tổng giá trị thị trường ước tính lên khoảng 35 tỷ USD.

Những thị trường Uber từng 'tháo chạy' giờ ra sao?
Sự ra đi của Uber là bước lùi cho thị trường ứng dụng gọi xe Trung Quốc. Ảnh: Reuter.

Đổi lại, Uber nhận về khoảng 17,7% cổ phần của Didi Chuxing mới. Đây được xem là thương vụ mà đôi bên đều có lợi, và là lối thoát cần thiết cho Uber khi hãng bị khóa trong cuộc chiến cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc và đã đốt 2 tỷ USD trong 2 năm tại đây,

Một năm sau thương vụ này, người Trung Quốc nhận ra rằng khi Uber đã "khăn gói ra đi", việc gọi xe qua ứng dụng ngày một khó hơn.

Khi Uber bước vào Trung Quốc, hãng mang theo mô hình gọi xe giá rẻ, kéo theo những cuộc biểu tình của tài xế taxi, những tranh luận trong giới làm luật. Giờ khi Uber Trung Quốc đã về tay Didi Chuxing, cả tài xế đối tác lẫn người dùng đều không vui, bởi gọi xe qua ứng dụng tại Trung Quốc đang khó và đắt đỏ hơn bao giờ hết.

Một khảo sát của Sina cho thấy 81,7% số người tham gia tin rằng việc gọi xe qua ứng dụng đang khó hơn so với thời điểm còn Uber Trung Quốc, và 86,6% cho rằng việc đi xe qua ứng dụng đang đắt đỏ hơn bao giờ hết.

Didi Chuxing cũng tự công bố dữ liệu về độ khó của việc gọi xe tại các thành phố lớn của Trung Quốc trong giờ cao điểm. Theo tính toán của hãng, độ khó của việc gọi xe đã tăng từ 12,4% tới 22,5% tùy thành phố, trong đó tăng cao nhất là tại Thượng Hải và Thẩm Quyến.

Chi tiết hơn, việc gọi xe sẽ còn khó hơn tại các địa điểm như sân bay, bến tàu, bệnh viện, trường học... theo số liệu của Didi. Đáng chú ý, việc gọi xe tại các thành phố nhỏ đã khó hơn khoảng 30% so với một năm về trước.

Thâu tóm xong là cắt thưởng của tài xế, cắt khuyến mãi với người dùng

Theo giới phân tích, không khó để lý giải điều này. Sau khi thâu tóm Uber, Didi đã cắt các khoản thưởng cho tài xế trước đây, do không còn nhu cầu thu hút tài xế từ đối thủ, khiến việc chở khách qua ứng dụng không còn hấp dẫn như trước.

Didi cũng cắt luôn cả các khoản khuyến mãi cho khách hàng, bởi đối thủ lớn Uber nay đã về một nhà, không còn động lực để hãng tung khuyến mãi cạnh tranh.

Những thị trường Uber từng 'tháo chạy' giờ ra sao? - 1

Bên cạnh đó, các nhà làm luật cũng siết quy định quản lý với lái xe "taxi công nghệ", khi yêu cầu các lái xe phải có hộ khẩu tại một thành phố mới được phép chạy xe cho các hãng, như Didi Chuxing tại thành phố đó. Quy định này được thí điểm ở Bắc Kinh và Thượng Hải, sau đó lan rộng ra nhiều thành phố khác.

Didi Chuxing cũng ngừng công bố lượng cuốc xe thực hiện từ tháng 10/2016, hai tháng sau khi mua lại Uber Trung Quốc, dù trước đó hãng công bố con số này khá thường xuyên. Lần gần nhất hãng công bố đã thực hiện 20 triệu cuốc xe mỗi ngày và đang trên đà tăng trưởng.

Nếu lượng cuốc xe mỗi ngày thực chất đang giảm đi, Didi sẽ gặp nhiều khó khăn để lên sàn gọi vốn. Và có lẽ đây là lý do mà hãng chưa muốn lên sàn bởi nếu niêm yết cổ phiếu, mọi con số sẽ phải được công khai. Việc mảng kinh doanh cốt lõi đang không phát triển sẽ khiến Didi khó tìm nhà đầu tư.

Nhiều khả năng việc Didi Chuxing đầu tư lớn vào các hãng gọi xe nước ngoài, thay vì tập trung vào thị trường nội địa, đang cho thấy rằng thị trường nội địa Trung Quốc không còn hấp dẫn với Didi.

Yandex.taxi thành ông lớn ở Nga

Ngày 13/7, Yandex thông báo đã chính thức sáp nhập mảng vận hành của Uber tại Nga, đổi lại 36,6% cổ phần liên doanh mới cho Uber. Hai bên đã cùng đổ thêm tiền mặt cũng như thống nhất việc mở rộng hoạt động ra cả 5 quốc quốc gia xung quanh Nga, dự kiến khai thác thị trường rộng lớn với 170 thành phố.

Thương vụ này vừa được hoàn tất các công đoạn cuối cùng vào ngày 7/2 vừa qua. Hai hãng đã nhận được sự đồng thuận của Cục Chống độc quyền Nga.

Những thị trường Uber từng 'tháo chạy' giờ ra sao? - 2
Yandex.taxi thâu tóm Uber, nghiễm nhiên trở thành ông lớn gọi xe tại Nga. Ảnh: Getty.

Ông Anatoly Golomolzin, lãnh đạo Cục này cho hay thương vụ đã được thông qua trên cơ sở Yandex sẽ không cản trở tài xế đối tác và khách hàng trong việc lựa chọn các dịch vụ tương tự khác.

"Chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo sự phát triển cạnh tranh trong một thị trường đang mới mẻ như thị trường gọi xe qua ứng dụng, các bên tham gia thị trường cần có quyền bình đẳng", ông Golomolzin cho hay.

Kết luận của Cục Chống độc quyền Nga là có cơ sở, bởi lẽ liên doanh giữa Uber và Yandex, công ty được mệnh danh là "Google của Nga", không đủ lớn để độc quyền thị trường. Tuy nhiên, thương vụ thâu tóm Uber đã giúp Yandex.taxi nghiễm nhiên trở thành cái tên lớn nhất trong thị trường gọi xe qua ứng dụng còn hoang sơ ở Nga.

Đặc điểm thị trường Nga có phương tiện giao thông công cộng kém phát triển, bị thống trị bởi taxi truyền thống và taxi dù, cộng với một lượng lớn các ứng dụng gọi xe đang mọc lên và thâu tóm lẫn nhau. Dù là cái tên đáng kể nhất trong nhóm các ứng dụng gọi xe, thị phần taxi của Yandex chỉ là khoảng 10-12%, theo thống kế của Financial Times.

Uber đã không có nhiều tác động tới thị trường taxi tại Nga, và trong tương lai, nhiệm vụ này sẽ nằm trong tay Yandex.

Nhiều chuyên gia dự đoán sau khi đã lỗ lũy kế 4 quý liền, trong đó hai quý gần nhất lỗ lần lượt 20 triệu và 21 triệu USD để cạnh tranh, Yandex sẽ còn mất thời gian để biến Yandex.taxi thành một mô hình có lãi và người dùng cũng như tài xế có thể hy vọng tương lai gần của Yandex.taxi sẽ không giống như Didi Chuxing tại Trung Quốc.

Theo Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)