Kinh tế

Những ngân hàng lợi nhuận ảm đạm

Không ít ngân hàng có mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ, thậm chí bị lỗ trong quý II.

Trong bối cảnh kinh doanh ngành ngân hàng khởi sắc khi nhiều nhà băng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 50 - 80% so cùng kỳ năm ngoái thì không ít nơi lại ghi nhận giảm hoặc thua lỗ. 

Ngân hàng Bản Việt - VietCapitalBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 với mức lỗ 33,5 tỷ đồng. Đây được xem là ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý II năm nay. Còn nếu tính lũy kế 6 tháng, ngân hàng vẫn có lãi trước thuế 53 tỷ và hoàn thành 66% kế hoạch năm.

Những ngân hàng lợi nhuận ảm đạm
Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần. Ảnh: PV.

Đối với Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) trong báo cáo tài chính quý II và nửa đầu năm 2018 cũng cho thấy mức lợi nhuận giảm mạnh. Theo báo cáo này, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank trong quý II chỉ đạt gần 159 tỷ đồng, so với mức 440 tỷ cùng kỳ 2017, tức giảm 66%. Lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm cũng giảm gần 27%, còn 666 tỷ đồng so với con số 910 tỷ của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Ngân hàng Quốc Dân - NCB mặc dù quý II không đến mức lỗ nhưng chỉ ghi nhận con số lãi khá khiêm tốn 2,2 tỷ đồng...

Việc lợi nhuận kém khả quan của các ngân hàng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là do trích lập dự phòng rủi ro cũng như chi phí hoạt động tăng mạnh, còn các chỉ số hoạt động vẫn tăng trưởng tốt.

Như trường hợp Ngân hàng Bản Việt, hoạt động kinh doanh có tăng trưởng thu nhập tích cực nhưng nhà băng đã tăng mạnh chi phí hoạt động và đặc biệt là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khiến quý II bị lỗ.

Những ngân hàng lợi nhuận ảm đạm - 1

Cụ thể, chi phí hoạt động của VietCapitalBank đạt 171 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng lên tới 118 tỷ, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ. Kết quả, quý II, ngân hàng Bản Việt ghi nhận lỗ 33,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 11 tỷ.

Còn theo giải trình của LienVietPostBank, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị thua lỗ do ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, chủ yếu do ảnh hưởng bởi biến động chung của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, chi phí hoạt động gia tăng do việc phát triển mạng lưới hệ thống phòng giao dịch Bưu điện.

Tương tự, chi phí hoạt động của NCB 491 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tăng nhẹ từ 37 tỷ lên gần 40 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này phát sinh trong riêng quý II.

Theo Lệ Chi (VnExpress.net)