Kinh tế

Những gã khổng lồ nước ngoài đã và đang chi hàng tỷ USD để thâm nhập vào mọi 'ngõ ngách' tại thị trường Việt Nam

Trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á và Đông Á vào Việt Nam những năm gần đây, những thương vụ mua bán cổ phần hoặc thâu tóm với giá trị lên đến vài trăm triệu USD không còn là chuyện hiếm

Ngày càng nhiều thương vụ giá trị lớn

Trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á và Đông Á vào Việt Nam những năm gần đây, những thương vụ mua bán cổ phần hoặc thâu tóm với giá trị lên đến vài trăm triệu USD không còn là chuyện hiếm. Thậm chí đã có những thương vụ trên cả tỷ USD như Central Group mua Big C Việt Nam (1,05 tỷ USD) hay JC&C mua 10% cổ phần Vinamilk (1,16 tỷ USD).

Không chỉ dừng ở những thương vụ đơn lẻ, nhiều tập đoàn lớn đã mạnh tay thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm lớn nhỏ kết với cả đầu tư trực tiếp nhằm bổ sung vào "bộ sưu tập" của mình những doanh nghiệp hàng đầu trong rất nhiều lĩnh vực tiềm năng như bất động sản, bán lẻ, hàng tiêu dùng...

Nổi bật nhất trong số này là một số tập đoàn hàng đầu của Thái Lan như SCG, TCC Group hay Central Group hay CJ Group (Hàn Quốc) và Jardine Matheson - tập đoàn 200 năm tuổi có trụ sở tại Hong Kong.

Jardine Matheson Group - "tay chơi" mới nổi

Hiện diện tại Việt Nam từ rất sớm dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một số lĩnh vực như bất động sản, chuỗi nhà hàng… Jardine Matheson Group gây bất ngờ cho giới đầu tư trong và ngoài nước khi JC&C – công ty con của tập đoàn này tại Singapore đã chi ra tới 1,15 tỷ USD để mua lại 10% cổ phần của Vinamilk.

Bên cạnh Vinamilk, JC&C cũng nắm trong tay một khoản đầu tư có giá trị rất lớn khác là 25,1% cổ phần của doanh nghiệp ô tô lớn nhất Việt Nam – THACO cùng với 23% cổ phần của CTCP Cơ điện lạnh REE.

Theo ước tính của chúng tôi, ba khoản đầu tư mà JC&C đang nắm giữ hiện có giá trị thị trường vào khoảng 2 tỷ USD.

Các đơn vị thành viên khác của Jardine Matheson như Hong Kong Land, Jardine Pacific Holdings hay Dairy cũng đang đầu tư vào rất nhiều sản phẩm, dịch vụ gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người Việt như các chuỗi nhà hàng KFC, Pizza Hut, Starbucks; hệ thống bán lẻ mỹ phẩm Guardian; thang máy Schindler cũng như một số bất động sản đắc địa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Những gã khổng lồ nước ngoài đã và đang chi hàng tỷ USD để thâm nhập vào mọi 'ngõ ngách' tại thị trường Việt Nam

TCC Group: Tham vọng thâu tóm Vinamilk và Sabeco

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, một trong những người giàu nhất Thái Lan và là ông chủ của Tập đoàn TCC là một trong những người tích cực nhất trong việc đầu tư, thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống và bán lẻ.

Nắm trong tay 2 doanh nghiệp đồ uống hàng đầu khu vực là Fraser&Neave và ThaiBev, tỷ phú Charoen tỏ ra rất quan tâm đến việc đầu tư vào Sabeco cũng như gia tăng sở hữu tại Vinamilk.

Thông qua các công ty thành viên, hệ thống TCC đang sở hữu khối tài sản khá đồ sộ tại Việt Nam bao gồm:

+ 18,7% cổ phần của Vinamilk do Fraser&Neave nắm giữ, trị giá 2,3 tỷ USD.

+ Hệ thống MM Mega Market Vietnam, tiền thân là Metro Cash & Carry Việt Nam, mua lại từ Metro AG vào đầu năm 2016 với giá 655 triệu Euro (710 triệu USD).

+ 65% cổ phần của Phú Thái Group (mua lại năm 2015 với giá 32 triệu USD).

+ 65% cổ phần của Khách sạn Melia Hà Nội.

Central Group thâu tóm các tên tuổi ngành bán lẻ

Một trong những tỷ phú giàu nhất Thái Lan khác là Tos Chirathivat cũng đang ráo riết gia tăng ảnh hưởng trên thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam.

Central Group đã liên tiếp mua lại một loạt thương hiệu bán lẻ hàng đầu của Việt Nam gồm Big C, Nguyễn Kim, Zalora… Trong đó nổi bật là thương vụ mua lại hệ thống Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Central cũng tiến hành mở 1 số trung tâm mua sắm Robins trong một số trung tâm thương mại lớn như Royal City tại Hà Nội hay Crescent Mall tại Thành phố Hồ Chí Minh.

SCG Group: Ông trùm ngành nhựa, vật liệu xây dựng

Không có những thương vụ tỷ đô như TCC hay Centrel Group, nhưng SCG cũng đã có được "bộ sưu tập" rất đáng kể với hàng chục doanh nghiệp trong các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, nhựa, bao bì… bao gồm cả đầu tư trực tiếp cũng như mua lại.

Hiện nay, tại Việt Nam, SCG có 23 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.300 nhân viên. Trong nửa đầu năm 2017, doanh thu của SCG tại Việt Nam đạt hơn 530 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Hai thương vụ mua lại đáng kể nhất của SCG tại Việt Nam là chi 240 triệu USD mua lại công ty gạch men Prime Group và 156 triệu USD mua lại công ty xi măng StarCemt từ Kusto Group. Một số thương vụ nhỏ hơn như Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh,

Nawaplastic, một công ty thành viên của SCG, hiện đang nắm giữ 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và đang có cơ hội rất lớn để nắm quyền kiểm soát đối với công ty nhựa xây dựng này khi nhà nước chuẩn bị thoái vốn.

Khoản đầu tư lớn nhất của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Lọc hóa dầu Long Sơn, dự án lọc hóa dầu có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD tại Bà Rịa Vũng Tàu. Sau khi mua thêm 25% cổ phần từ phía Qatar, hiện SCG nắm giữ tổng cộng 71% cổ phần của dự án này, phần còn lại thuộc về PVN.

CJ Group: Từ rạp chiếu phim đến thực phẩm, logistics

Giống như nhiều tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc, CJ có một danh mục ngành nghề kinh doanh rất đa dạng, từ logistics, truyền thông, thực phẩm... Các thương vụ M&A của CJ tại Việt Nam tuy giá trị không quá lớn nhưng cũng rất phong phú.

Một trong những thương vụ đình đám đầu tiên của CJ tại Việt Nam là mua lại hệ thống rạp Megastar, nay là CJ CGV Việt Nam. Sau đó, tập đoàn này thực hiện một loạt thương vụ khác như mua lại Gemadept Tower, Thực phẩm Cầu Tre, Thực phẩm Minh Đạt...

Vào tháng 10/2017, CJ Logistics đã mua cổ phần chi phối tại 2 công ty con của Gemadept là Gemadept Shipping Holdings và Gemadept Logistics Holdings. CJ cũng là một ứng viên tiềm năng mua lại Gemadept.

Bên cạnh các thương vụ mua lại, CJ cũng có nhiều khoản đầu tư trực tiếp như chuỗi cửa hàng bánh ngọt Tours le Jours, hệ thống bán lẻ K-Mart, công ty logistics Korea Express, công ty thức ăn chăn nuôi CJ Vina Agri ...

Theo Trí Thức Trẻ