Kinh tế >> Bảo vệ người tiêu dùng

Những cạm bẫy lừa đảo không tin nổi khi mua sắm online cuối năm

Cuối năm người người và nhà nhà cần mua sắm cho cá nhân và gia đình để chuẩn bị Tết vì thế cũng xuất hiện nhiều chiêu trò gian lận, lừa đảo trong việc mua bán hàng online. Chính vì thế người tiêu dùng càng phải nắm rõ thông tin để tránh các cạm bẫy khiến cho “tiền mất tật mang”.

Những cạm bẫy lừa đảo không tin nổi khi mua sắm online cuối năm
(Ảnh minh họa - nguồn: www.idea.gov.vn).

Từ những đơn hàng “bất đắc dĩ” giá trị nhỏ…

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA) đã phát đi cảnh báo về việc những trường hợp người tiêu dùng (NTD) nhận được các đơn hàng “bất đắc dĩ” từ các website thương mại điện tử (TMĐT).

Theo đó, NTD dù không có đặt hàng nhưng vẫn nhận được bưu kiện gửi đến địa chỉ nhà riêng với đầy đủ các thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại… Khi NTD không có ở nhà, người nhà nhận thay nhưng không xác nhận lại với người thân về việc có đặt mua sản phẩm hay không.

Thông thường, những đơn hàng “bất đắc dĩ” có giá trị nhỏ nên người nhà khi nhận hàng thay đã trả tiền cho bên vận chuyển mà không kiểm tra sản phẩm. Chính vì thế rất dễ xảy ra trường hợp sản phẩm nhận được không đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng. Có trường hợ bên ngoài bưu phẩm ghi là phụ kiện thời trang rất chung chung nhưng khi mở ra bên trong chỉ có 1 cái kẹp giấy, tuýp kem đánh răng hoặc vật dụng có giá trị nhỏ khác.

Thực chất của cách bán hàng như vậy là một dạng “lừa đảo vặt” dù chưa gây ra các thiệt hại lớn nhưng sẽ gây mất uy tín của ngành TMĐT từ đó khiến NTD mất niềm tin vào ngành này.

… đến bán smartphone, xe máy giá rẻ để lừa đảo

Cách đây hơn một tháng, Công an Đà Nẵng đã phá vụ 3 sinh viên đã lừa hơn 300 người có nhu cầu mua xe máy giá rẻ để chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng.

Các đối tượng Lê Ngọc Minh Hoàng, Phan Thanh Hải, Lương Thành Quốc Huy (cùng ngụ huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đều là sinh viên tại Đà Nẵng, đã lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội để đăng thông tin bán xe máy giá rẻ.

Không ít người vì ham rẻ đã chuyển tiền đặt cọc hoặc trả hết một lần qua tài khoản ngân hàng hoặc các hình thức chuyển tiền online. Nhóm đối tượng này sau khi rút tiền xong thì cao chạy xa bay.

Trên thực tế, chiêu trò lừa đảo chiếm tiền đặt cọc tiền điện thoại không phải là mới. Tuy nhiên, tình trạng này “đến hẹn lại lên” trên thị trường mùa cuối năm này.

Mới đây, một trong những chuỗi bán lẻ điện thoại lớn nhất Việt Nam là FPT Shop đã phải cầu cứu lên cơ quan chức năng tại TP.HCM khi bị các đối tượng lừa đảo mạo danh bán iPhone giá rẻ để lừa tiền cọc của khách hàng.

Nhiều nạn nhân đã đến FPT Shop số 608 Trần Hưng Đạo, Quận 5 phàn nàn về việc đặt cọc 100.000 đồng mua iPhone hay điện thoại Samsung giá rẻ nhưng cuối cùng đối tượng nhận cọc đã biến mất.

Bà Bích Hạnh – phụ trách truyền thông của FPT Shop – cho biết, đối tượng có địa chỉ website là http://nhapkhau...com triển khai lừa ở cả bắc – trung – nam, cứ lấy những địa chỉ gần với địa chỉ của các FPT Shop để khiến người tiêu dùng hiểu lầm tưởng chúng là người của chuỗi bán lẻ này nên tin tưởng.

Đơn cử, một địa chỉ “ma” các đối tượng này để trên web là 608/6 Trần Hưng Đạo, P2, Q5, TP.HCM. Nhưng phía FPT Shop đi kiểm tra tận nơi thì không có địa chỉ nào như vậy. Sau khi chúng đánh bài chuồn thì khách hàng không biết cứ đến FPT Shop số 608 để khiếu nại.

Thủ đoạn của các đối tượng này là luôn giấu mặt. Bà Hạnh cho biết thêm: “Chúng tôi đã tiến hành đặt cọc 100.000 đồng và gọi điện yêu cầu được đến tận nơi để xem hàng thì họ luôn tìm đủ lí do từ chối gặp gỡ để tránh bị lộ nơi chốn”.  

Theo Thế Lâm (Lao Động)