Kinh tế

Nhiều ngôi sao, nghệ sĩ lập công ty để trốn thuế

"Các ca sĩ thường thành lập doanh nghiệp, công ty để trốn thuế thu nhập cá nhân, họ nộp thuế rất thấp", Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói.

Ngày 21/2, cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề cập đến việc quản lý thuế từ thu nhập của các ngôi sao, nghệ sĩ.

Dẫn chứng việc xử lý một ngôi sao lớn của Trung Quốc vừa qua có liên quan đến việc trốn thuế, bà Hải băn khoăn liệu Luật quản lý thuế ở Việt Nam ra đời có quản lý được vấn đề này hay không.

“Tôi nghiên cứu và thấy rằng luật ra đời thì quản lý vẫn lỏng lẻo. Hiện, các ca sĩ thường thành lập doanh nghiệp, công ty để trốn thuế thu nhập cá nhân. Cuối cùng, nộp thuế rất thấp”, bà Hải phân tích.

Đặc biệt, liên quan đến công tác quản lý, Trưởng ban Dân nguyện nhận định không thấy nêu vai trò một chút nào của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà đề nghị phải đưa một quy định về trách nhiệm của Bộ Văn hóa về vấn đề này.

Nhiều ngôi sao, nghệ sĩ lập công ty để trốn thuế
Thất thu thuế tại các trạm BOT là vấn đề được các cử tri rất quan tâm. Ảnh: Việt Tường

Làm sao minh bạch doanh thu của các trạm BOT?

Một vấn đề khác, theo bà Nguyễn Thanh Hải, cử tri rất quan tâm là thất thu thuế tại các trạm BOT vừa qua trong việc chậm triển khai thu phí không dừng.

Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2019, việc thu phí không dừng ở các trạm BOT phải hoàn thành. Tại điều 15, khoản 8 dự thảo quy định rất rõ về trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hành khách.

Cùng với đó là kết nối, cung cấp thông tin về tiêu chí kỹ thuật liên quan đến quản lý thu đối với tài sản là phương tiện phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

“Không quản lý được một cách công khai, minh bạch lượng xe qua các trạm BOT, không quản lý được doanh thu… thì trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính hay Bộ Giao thông?”, Trưởng ban Dân nguyện đặt câu hỏi.

Phân định trách nhiệm cơ quan thuế, kiểm toán và thanh tra

Nhắc đến một vấn đề khác là sự chồng chéo trong trách nhiệm thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý thuế và Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thiết kế trong dự luật sửa đổi hiện chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan. Khi kết luận thanh tra ban ra, đối tượng nộp thuế không biết làm việc với cơ quan nào.

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cơ quan thuế ra quyết định thì phải dựa trên kết luận của kiểm toán và thanh tra, kết luận đó phải được thi hành. Đầu mối quản lý Nhà nước phải thống nhất là một, không để đối tượng chịu thuế chạy hết thanh tra, kiểm toán rồi lại thuế.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại diện cơ quan soạn thảo, xin tiếp thu các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục rà soát.

Ông cũng thông tin thêm, 5 năm qua, 14 vụ kiện doanh nghiệp đã phát sinh theo kết luận của kiểm toán. Trong số này, tòa xử 10 vụ thì 10 vụ cơ quan thuế đều thua. Còn lại đang 3 vụ đang thụ lý và 1 vụ đang tạm dừng do phát sinh tình tiết mới.

Nhiều ngôi sao, nghệ sĩ lập công ty để trốn thuế - 1
Bộ trưởng Đinh Tiên Dũng: Tôi tự tin và tiếp tục tinh thần vượt khó. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Bộ trưởng Tài chính phân tích có 2 trường hợp: một là kiểm toán trực tiếp tại đơn vị người nộp thuế thì kiểm toán phải có kết luận. Doanh nghiệp có kiện hay không là kiện Kiểm toán Nhà nước. Còn trường hợp thứ hai, là kiểm toán thông qua cơ quan quản lý thuế thì phải có nghĩa vụ liên quan và trích lục để cơ quan quản lý thuế căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, thu thuế.

Nhắc tới việc 10 vụ doanh nghiệp kiện truy thu theo kết luận của kiểm toán đều thua cả 10, ông Dũng cho rằng, trách nhiệm thuộc về ai thì người đó phải chịu nên cần phân định rõ ràng trách nhiệm.

Cụ thể, trường hợp Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng, có trách nhiệm song trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về Kiểm toán Nhà nước vì đây là cơ quan ra kết luận.

Bộ trưởng Tài chính dẫn ví dụ từ Sabeco và Unilever đang được Chính phủ giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành rà soát lại. Kiểm toán kết luận 2 lần ra 2 số khác nhau. Với Unilever, lần đầu kết luận ra hơn 882,9 tỷ đồng, lần 2 là gần 580 tỷ. Và doanh nghiệp hiện nay mới chấp nhận 300 tỷ đồng.

Nếu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế phải truy thu và doanh nghiệp sẽ kiện, nhưng kiểm toán lại không chịu trách nhiệm gì.

“Kết luận kiểu gì mà 2 lần lại chênh lệch như vậy? Ý kiến các bộ, ngành khác nhau từ năm 2017, chúng tôi chấp hành nhưng theo kết luận của kiểm toán thì cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng phải có trách nhiệm cuối cùng”, ông Dũng thể hiện quan điểm.

Kết luận lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh cần nêu rõ trách nhiệm cơ quan thuế, kiểm toán và thanh tra. Nếu kiểm toán vào kiểm toán trực tiếp thì trực tiếp chịu trách nhiệm trước tổ chức, cá nhân; còn nếu qua cơ quan thuế thì kiểm toán phải có trích lục để cơ quan quản lý thuế căn cứ vào đó ra kết luận. Đặc biệt, khi có khiếu kiện thì phải phối hợp với nhau để tạo công bằng, tránh gây áp lực với các tổ chức, cá nhân.

Theo Nhật Lâm (Tri Thức Trực Tuyến)