Kinh tế

Nhiều kiến nghị về lãi suất cho vay giá cắt cổ của các công ty tài chính

Nhiều cử tri đã gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thực trạng lãi suất của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng với giá “cắt cổ” không kém tín dụng đen và kiến nghị cơ quan này cần có chế tài giám sát lãi suất, do không công bố lãi suất rõ ràng.

Nhiều kiến nghị về lãi suất cho vay giá cắt cổ của các công ty tài chính
Công ty tài chính cho vay ‘cắt cổ’, cử tri lo sợ rủi ro

Lãi suất của công ty tài chính dựa trên cung cầu không giới hạn 20%/năm

Trả lời câu hỏi của cử tri, NHNN cho biết: Luật Dân sự năm 2015 quy định với cho vay tại các công ty tài chính: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Tuy nhiên, Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ quy định nêu trên, tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có công ty tài chính có quyền thỏa thuận lãi suất cấp tín dụng theo quy định tại Luật Các TCTD mà không chịu sự điều chỉnh về mức lãi suất nêu tại Luật Dân sự năm 2015.

Sau các quy định tại Luật các TCTD, NHNN có ban hành nhiều thông tư liên quan tới lãi suất của các TCTD và công ty tài chính như: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016; Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa.

NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với các nhu cầu vốn: a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Căn cứ theo quy định tại các Thông tư hướng dẫn này, NHNN khẳng định, lãi suất cho vay do TCTD nói chung và công ty tài chính nói riêng (bên cho vay) và khách hàng (bên vay) thỏa thuận dựa trên các yếu tố: cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Công ty tài chính phải công bố mức lãi suất cho vay, điều chỉnh với khách hàng

Để quản lý, kiểm soát hoạt động cho vay của các TCTD và công ty tài chính, nhằm minh bạch hoạt động cho vay, NHNN cho biết, đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng để làm cơ sở minh bạch lãi suất, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc tính lãi, phương pháp tính lãi, gồm lãi suất tính lãi, thời hạn tính lãi (số ngày tính lãi), cách quy đổi lãi suất, công thức tính lãi.

Về minh bạch thông tin, công ty tài chính chỉ cần cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký; Giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng…

Công ty tài chính ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và gửi NHNN.

Với các quy định nêu trên, các khoản lãi suất, khoản vay, điều kiện vay trên hợp đồng đều được thông tin một cách minh bạch nhằm bảo về quyền lợi của khách hàng vay.

Như vậy, Thông tư số 39 và Thông tư số 43 đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD, công ty tài chính trong việc công khai, minh bạch hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay, nhất là khách hàng có ít kiến thức về cho vay tiêu dùng.

Theo Đình Vũ (Dân Việt)