Kinh tế

Nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc chiến chống hàng lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu

Vấn đề kiểm tra, xử lý mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu đa dạng có nhiều khó khăn và thách thức cho cơ quan chức năng.

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh trật tự.

Nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc chiến chống hàng lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu
Sử dụng mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng người bị tổn thất nhiều nhất chính là người tiêu dùng

Nhưng nhìn nhận về vấn đề chung việc kiểm tra, xử lý mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu đa dạng có nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng với nhiều lý do.

Theo Chi cục Quản lí thị trường (QLTT) TP.HCM, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt là các mặt hàng mỹ phẩm, tuy nhiên, tình hình kinh doanh mỹ phẩm giả, nhập lậu trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa nhập lậu trong đó có mỹ phẩm được vận chuyển qua đường bộ biên giới các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nam bộ rồi vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không vào thành phố. Hàng hóa nhập lậu còn được vận chuyển vào thành phố thông qua hành lý xách tay, hàng NK chính ngạch, tiểu ngạch gian lận khai báo về chủng loại, số lượng...

Ngoài ra, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do giá rẻ, thói quen thích sử dụng hàng ngoại nên vẫn chấp nhận sử dụng, từ đó công tác kiểm tra và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Tại một số cơ sở kinh doanh chưa quan tâm đến nguồn gốc, giấy phép lưu hành, hạn sử dụng của sản phẩm. Nhiều thương nhân kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh không đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà sử dụng nhà ở làm địa điểm kinh doanh, mua hàng từ các thương nhân khác để bán lại, dùng mạng xã hội để tiếp thị và quảng bá sản phẩm, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thống kê, quản lý, hầu hết kinh doanh mỹ phẩm chung với các loại hành hoá khác. Đó là trong những khó khăn của lực lượng chức năng tại nhiều địa phương hiện nay.

Thực tế trên đây là đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.

Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Trong Chỉ thị 17 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này.

Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về da, nặng hơn sẽ suy thân, gây tổn hại sức khỏe. Bác sỹ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc – Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ với báo chí cho biết, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp (chủ yếu là phụ nữ trẻ và trung niên) vào viện khám, điều trị do “hậu quả” của việc sử dụng mỹ phẩm. Điểm chung của các trường hợp này thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Trường hợp nhẹ bị dị ứng da thường có biểu hiển ngứa nhiều, còn kích ứng thì vùng da bị bỏng rát… Ngoài ra, các bệnh nhân thường nhập viện muộn, đã có triệu chứng viêm da từ trước đó khá lâu nhưng thường tìm cách tự xử lý, đến khi biến chứng nặng, da bị bỏng rát không chịu được nữa mới vào viện. “Nhiều bệnh nhân nếu không khai thác tiền sử bệnh thì không biết được nguyên nhân nên khó điều trị. Có những bệnh nhân khi chúng tôi hỏi bệnh rằng có dùng mỹ phẩm gì không thì khăng khăng trả lời là không, nhưng sau đó nhập viện thì mới khai ra là dùng loại này, loại kia” – bác sỹ Vũ Thái Hà nói.

Theo H.A (Thương Hiệu & Công Luận)