Kinh tế

Nhiều doanh nghiệp Việt bị lừa tại Thái Lan

Bộ Công Thương vừa phát cảnh báo tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo khi buôn bán sang Thái Lan, và yêu cầu cẩn trọng trong tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng.

Theo Bộ Công Thương, Thương vụ tại Thái Lan thời gian qua đã nhận được một số đề nghị từ phía doanh nghiệp Việt Nam, về hỗ trợ xử lý các vụ lừa đảo trong quá trình liên hệ và giao dịch thương mại với doanh nghiệp Thái Lan.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nhà sản xuất, xuất khẩu Thái Lan trên mạng Internet và tiến hành giao dịch trong khi chưa xác minh đầy đủ thông tin đối tác. Tâm lý chủ quan, ham rẻ và thiếu nghiệp vụ ngoại thương của một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị doanh nghiệp Thái lợi dụng.

Nhiều vụ việc doanh nghiệp Thái Lan lừa tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng. Bộ Công Thương lấy ví dụ nhiều nhất là mặt hàng giấy A4.

Nhiều doanh nghiệp Việt bị lừa tại Thái Lan
Mặt hàng giấy A4 nhập khẩu từ Thái Lan đang bị lừa tiền đặt cọc nhiều nhất. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp khi ký kết làm ăn phải xác minh rõ đối tác, đặc biệt là các đối tác lần đầu giao dịch. Cần hạn chế tìm kiếm và giao dịch với khách hàng trên các trang web không uy tín và không kiểm chứng thông tin doanh nghiệp.

Khuyến cáo của Bộ Công Thương, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Thái Lan tương đối gần, đường bay thuận tiện, doanh nghiệp Việt Nam nên trực tiếp sang địa bàn để thẩm định và làm việc trực tiếp. Doanh nghiệp cũng có thể nhờ các kênh chính thống như Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan xác minh thông tin.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng có thể tra cứu thông tin doanh nghiệp Thái Lan qua website của Cục Phát triển Doanh nghiệp nước này.

Trong quá trình trao đổi, hợp tác, doanh nghiệp cũng lưu ý tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tác. Không chuyển tiền làm visa, thanh toán trước giá trị lô hàng, chi trả các chi phí phát sinh.

Đối với các giao dịch trong quá trình làm việc, yêu cầu đối tác cung cấp thông tin đầy đủ kèm theo hóa đơn, để tiện xác minh với cơ quan có thẩm quyền.

Khi thanh toán xuất nhập khẩu, khi đàm phán và ký kết hợp đồng, doanh nghiệp Việt nên lựa chọn phương thức thanh toán và giao hàng an toàn. Hợp đồng phải quy định rõ điều khoản bồi thường và cơ quan giải quyết tranh chấp. Không ký kết hợp đồng và gửi qua hình thức điện tử, chia sẻ trên các ứng dụng mạng xã hội (Viber, Facebook, Line…) hay qua email. Cũng không chấp nhận hình thức thanh toán TT (trả trước một phần của tổng giá trị giao dịch) khi chưa biết rõ về doanh nghiệp đối tác...

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)