Kinh tế

Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines cam kết thúc đẩy tự do thương mại trong APEC

Đại sứ các nước đối tác quan trọng của Việt Nam nhấn mạnh định hướng cho thương mại mở ở khu vực.

Đại sứ Philippines tại Việt Nam nói về mối quan tâm của nước này tại APEC. Video: Trần Huấn.

"Tôi hy vọng thương mại và đầu tư trong APEC sẽ tiến triển thuận lợi, khi các nước hướng tới việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020", ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, trao đổi với VnExpress về mối quan tâm của nước này tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tuần này.

Theo đó, các nước thành viên APEC đã cam kết đạt được thương mại và đầu tư tự do và mở. Mục tiêu này cũng được nhấn mạnh trong Tuyên bố Lima sau cuộc họp của các lãnh đạo APEC tại Peru năm ngoái. Các nước thành viên APEC còn chia sẻ tầm quan trọng của tăng trưởng bao trùm và tăng cường kết nối, hướng đến năm 2020.

Đại sứ Kunio lưu ý Nhật Bản rất coi trọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), liên quan đến việc xây dựng trật tự kinh tế mới tại châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để 11 nước thành viên có thể đưa ra kết quả tích cực, giúp TPP sớm có hiệu lực trong họp APEC tại Đà Nẵng. 

Đại diện của Nhật cũng đánh giá cao chủ đề APEC mà Việt Nam đưa ra năm nay: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung, cho rằng rất phù hợp với thời điểm hiện tại. 

"Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức trong xây dựng tương lai của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương", ông Kunio nói.

Với Hàn Quốc, một thành viên quan trọng khác của APEC, ông Lee Hyuk, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh tới chủ đề mà Việt Nam đưa ra trong chương trình nghị sự năm nay, là "Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong APEC". Tăng trưởng bao trùm có nghĩa là mọi người đều tham gia vào hoạt động kinh tế và chia sẻ những lợi ích từ đó.

"Cùng chia sẻ mối quan tâm chung, chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đạt được tăng trưởng bao trùm. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đang cố gắng tạo nên sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế lấy con người làm trung tâm, để giải quyết các vấn đề về tăng trưởng thấp và gia tăng khoảng cách", Đại sứ Lee nói.

Để đạt được bước chuyển như vậy, chính phủ Hàn Quốc đặt ra các nhiệm vụ cần thực hiện là có được tăng trưởng thông qua tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, tăng trưởng mang tính đổi mới và một nền kinh tế công bằng.

Đại sứ Hàn Quốc khẳng định APEC đã chứng tỏ được rằng đây là một diễn đàn hàng đầu tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, hợp tác, thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. APEC thể hiện là khu vực năng động nhất trên thế giới, với các nền kinh tế thành viên chiếm đến gần 60% GDP toàn cầu và hơn 50% tổng thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong APEC. Với việc ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, Việt Nam hiện là một nước ủng hộ mạnh mẽ cho các mục tiêu chung của APEC.

"Tôi tin rằng Hội nghị APEC tại Đà Nẵng sẽ là một thành công lớn, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng cho tất cả", ông Lee nói.

Không chỉ đề cao khuôn khổ APEC, Hàn Quốc cũng hướng tới tăng cường hợp tác với các nước ASEAN. Hiệp hội này là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường nỗ lực ngoại giao và nguồn lực vào khu vực, nỗ lực tạo dựng quan hệ gần gũi với ASEAN.

Với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm nay, Philippines đặt ra một số mục tiêu quan trọng khi tham dự APEC tại Đà Nẵng, ông Noel Servigon, Đại sứ Philippines tại Việt Nam khẳng định. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trông đợi tham dự APEC, nhấn mạnh tầm quan trọng của diễn đàn này nhằm thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu Bogor. Ông Duterte thể hiện mối quan tâm lớn đối với việc thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do.

Theo Đại sứ Servigon, Philippines chú trọng việc đạt được khu vực tự do thương mại, không chỉ trong ASEAN, mà còn ở cả châu Á - Thái Bình Dương. Manila đề cao tầm quan trọng của hội nhập kinh tế tại APEC, hy vọng các nền kinh tế thành viên thảo luận nhằm đạt được các mục tiêu này.

"Chúng ta cần phải ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, cần mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ. Chúng tôi hy vọng các thành viên APEC sẽ có kết quả thành công về các đề xuất của thị trường mở", Đại sứ nói.

Với Việt Nam, Philippines đang trao đổi về thúc đẩy thị trường tự do, thông qua khuôn khổ của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong ASEAN, Philippines nêu lên sáng kiến thúc đẩy kết nối giữa các nước thành viên và cả 8 đối tác của Hiệp hội.

Nhiều kỳ vọng trong hợp tác song phương với Việt Nam 

Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio cho biết nước này và Việt Nam đang theo sát các dự án kinh tế mà hai nước cam kết trong chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 6. 

"Tôi kỳ vọng hai nước sẽ cho thấy nhiều tiến triển cụ thể trong một số dự án đầu tư quy mô lớn nhân dịp APEC sắp tới", ông Kunio nói.

Đại sứ Hàn Quốc Lee thì đánh giá hai nước đã trở thành đối tác mật thiết, không chỉ về tăng trưởng kinh tế của mỗi bên, mà còn cho sự thịnh vượng của khu vực. APEC năm nay có vai trò quan trọng khi được tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam. 

"Hợp tác kinh tế giữa hai nước đóng góp một phần quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor. Về khía cạnh này, cuộc họp APEC tại Đà Nẵng là cơ hội lớn để hai nước xây dựng đối tác mạnh mẽ và sâu sắc hơn, cùng nhau hướng tới thúc đẩy tăng trưởng bao trùm ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Lee nói.

Tại hội nghị năm 1994 tại Indonesia, các lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua các mục tiêu Bogor, xác định APEC sẽ trở thành một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư trong tương lai.

Các mục tiêu Bogor bao gồm cắt giảm rào cản đối với thương mại và đầu tư; tăng cường lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn; thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Thời hạn để hoàn tất các mục tiêu Bogor đối với các nền kinh tế phát triển là năm 2010 và đối với các nền kinh tế thành viên đang phát triển là năm 2020.

Theo Việt Anh (VnExpress.net)